Chuyển động thị trường
Kiểm soát vốn vào bất động sản
Vân Linh - 22/08/2018 10:00
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không nới “room” tín dụng nửa cuối năm, với định hướng kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng.

Kiểm soát chặt tín dụng

Theo tinh thần của Chỉ thị 04/CT-NHNN về triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt như một số tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém). 

NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông

Đồng thời, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục yêu cầu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông… 

Thực tế, ngay từ đầu năm, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng tổ chức tín dụng, NHNN đã giao chỉ tiêu cụ thể và phù hợp từ 12 đến 14% cho các tổ chức tín dụng, rất ít tổ chức tín dụng được giao chỉ tiêu 16%. 

Sở dĩ NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng tín dụng và không cấp thêm room cho các ngân hàng là do 2 ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Trong đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát gắn trực tiếp hơn với tăng trưởng tín dụng. 

Các nhu cầu tín dụng hợp lý và đảm bảo các điều kiện cho vay đang và sẽ tiếp tục được đáp ứng tốt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng có vai trò chính là phục vụ các nhu cầu vốn ngắn hạn, cho vay vốn lưu động; còn nguồn trung và dài hạn, cũng như về mặt khối lượng, cần phát triển bền vững thị trường chứng khoán để các doanh nghiệp chủ động hơn trong tiếp cận và huy động vốn.

Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 7/2018, tăng trưởng tín dụng mới chỉ hơn 7%, trong khi cùng kỳ năm 2017 cao hơn với khoảng 9%. Với mức độ đã thực hiện này, dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng cuối 2018 không nhỏ. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã cạn room để cho vay nên phải điều chỉnh lợi nhuận. 

Lo vốn vào bất động sản

Quyết định không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như một “gáo nước lạnh” đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, nhất là đối với các nhà băng mà tăng trưởng cho vay khách hàng trong 6 tháng đầu năm đạt mức khá cao. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải tập trung hơn vào việc phát triển các khoản dư nợ ngắn hạn, cấp hạn mức cho các doanh nghiệp, hạn chế tăng các khoản cho vay dài hạn. 

NHNN sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng...

Thế nhưng, theo NHNN, nhiệm vụ trước tiên là ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. NHNN cũng sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, việc nới room tín dụng sẽ tác động tích cực lên hoạt động cho vay của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro, ngân hàng tránh đẩy vốn ồ ạt vào bất động sản. Đáng chú ý là, trước bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng, nợ xấu chưa xử lý nhanh, thì muốn tăng tín dụng, các ngân hàng phải kiểm soát được nợ xấu. 

Dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, sức khỏe của doanh nghiệp dần hồi phục, song trước sức nóng của bất động sản thời gian qua, cần kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào lĩnh vực này. “Từ mức 20 - 30%, tăng trưởng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng đã lên mức 57% vào năm 2007, trong đó có sự góp phần rất lớn của cho vay bất động sản, chứng khoán, khiến bong bóng 2 thị trường này xì hơi để lại hậu quả nợ xấu tăng cao”, ông Lịch nói.

Theo GS. Andreas Hauskrecht đến từ Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Nhóm Sáng kiến Việt Nam, năm 2008, khi thị trường bất động sản và chứng khoán sụp đổ, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng mất cân đối trầm trọng, vì mức độ cho vay các lĩnh vực này rất lớn. “Hậu quả để lại rất lớn và Việt Nam đang phải xử lý nợ xấu, dù đã nỗ lực trong thời gian dài. Hiện nay, thị trường bất động sản, chứng khoán có điều chỉnh, nhưng khó lặp lại tình trạng của năm 2008, vì Chính phủ và NHNN đã có kinh nghiệm hơn”, ông Andreas Hauskrecht nói.

Tin liên quan
Tin khác