Viễn thông - Công nghệ
Kiếm tiền online, livestream bán hàng vào diện giám sát
Hữu Tuấn - 15/07/2021 09:28
Sắp tới, bật kênh kiếm tiền online, livestream bán hàng phải được báo cáo và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng.
hiện cơ quan chức năng đang bó tay trước hoạt động livestream bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng


Nêu rõ nghĩa vụ của nhà cung cấp và người dùng

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép, tuy nhiên, số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã khoảng 60 triệu), tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì còn hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).

“Các mạng xã hội xuyên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội, bức xúc trong dư luận và cũng gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh”, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ.

Nổi lên trong nhiều nội dung của Dự thảo này là việc quy định nghĩa vụ của nhà cung cấp và người dùng mạng xã hội.

Theo đó,  Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam như: phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng. Tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24 giờ) khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu. Tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát những tác phẩm của các cơ quan báo chí Việt Nam.

Bộ cũng đề xuất quy định mạng xã hội xuyên biên giới khi cung cấp tính năng livestream và các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức đều phải thông tin liên hệ với Bộ. Nếu nội dung phát trực tuyến có vi phạm, tổ chức hoặc cá nhân chủ quản của nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất trong 3 giờ kể từ khi có yêu cầu của Bộ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, với các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng người truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo theo mẫu (không phải cấp phép), khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định. Các mạng xã hội đã thông báo sẽ phải cam kết tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Sau khi thông báo, Bộ sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượng người truy cập.

Siết trách nhiệm mạng xã hội xuyên biên giới

Bình luận về quy định này tại Dự thảo, luật sư Trương Thanh Hào, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hiện cơ quan chức năng đang bó tay trước hoạt động livestream bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng và không thể thu được thuế đối với hoạt động bán hàng livestream cũng như thuế thu nhập của những người livestream.

“Với quy định này, hoạt động livestream sẽ được cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ thông tin, dữ liệu qua các mạng xã hội. Từ đó, yêu cầu họ thực hiện các nghĩa vụ và hạn chế được các mặt trái của hình thức này”, luật sư Hào đánh giá.

Còn theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, sự bùng nổ các hoạt động livestream thời gian qua có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực tới xã hội. Vì vậy, quy định tiền kiểm này nhằm mục đích dự phòng rủi ro thông tin xấu. Tuy nhiên, quy định đăng ký vì sao chỉ áp dụng với các kênh 10.000 lượt người theo dõi hàng tháng, mà không ít hơn hoặc nhiều hơn có thể cần được bàn thảo và cân nhắc kỹ.

Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam. Tức là, cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5.000 kênh trên tổng 15.000 kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc các cá nhân tự chủ động đóng thuế. Nguyên nhân được cho là các chủ kênh không kê khai, khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và phía YouTube cũng không cung cấp thông tin vì chưa có quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Dự thảo mới đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện. Việc quy định chủ tài khoản mạng xã hội cần thông báo thông tin liên hệ tới Bộ Thông tin và Truyền thông mới được livestream là một thủ tục gửi thông báo có mẫu sẵn rất đơn giản. Còn quy định những người mở kênh kiếm tiền trên mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube... phải thông báo mình là ai, ở đâu để cơ quan quản lý biết là cần thiết.

Tại Trung Quốc, năm 2020 đã đạt 145 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ livestream, chiếm 10% tổng doanh thu thương mại điện tử. Không chỉ ngành bán lẻ, livestream còn được ứng dụng trong mọi lĩnh vực như giáo dục, giải trí và du lịch, y tế, tư vấn tuyển sinh, giảng dạy, khám chữa bệnh, du lịch.
Tin liên quan
Tin khác