Thời sự
“Kiểm toán” công chức, viên chức dư thừa
Hàn Tín - 20/03/2018 08:01
Vấn đề tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính lại nóng lên trước con số hơn 57.170 công chức, viên chức dư thừa năm 2017 mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố. Có thể khẳng định, con số này thấp hơn so với thực tế, bởi Kiểm toán Nhà nước không đủ thời gian, nhân lực để “kiểm toán” toàn bộ số lượng biên chế sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.

Chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi, vì sao bộ máy nhà nước phình to trong khi quyết tâm tinh giản bộ máy biên chế đã có từ lâu, ít nhất là từ năm 2007 - thời điểm ban hành Nghị quyết 17-NQ/TW về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước.

Có lẽ nguyên nhân chính khiến nhân sự khu vực hành chính phình to chủ yếu do một số bộ, ngành thành lập quá nhiều cục, vụ; các cục, vụ lại tìm mọi cách thành lập thêm nhiều phòng, ban trực thuộc.

Bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, chi thường xuyên từ ngân sách quá nhiều đã và đang cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cá biệt tại một số địa phương, cứ trung ương có tổ chức nào thì sẽ địa phương đó sẽ tìm cách thành lập thêm bộ phận tương xứng theo kiểu “trên có gì, dưới có nấy”. Đó là chưa kể do được quyền quyết định biên chế đơn vị sự nghiệp nên nhiều bộ ngành, địa phương “mạnh tay” tuyển viên chức cả biên chế lẫn hợp đồng làm việc chuyên môn để... chờ biên chế.

Về kinh tế, có thể tính được hàng năm, ngân sách mất bao nhiêu tiền để nuôi số công chức, viên chức dư thừa, kể cả phụ cấp cho “lãnh đạo” từ cấp hàm phó phòng thuộc vụ trở lên. Song về mặt xã hội, quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, sẽ khó có thể lượng hóa hết tác động phụ khi bộ máy có thêm tầng nấc trung gian.

Điều này lý giải vì sao, trong một số trường hợp, một công việc cần giải quyết, kể cả công việc đơn giản nhất là trả lời doanh nghiệp, người dân, đáng ra được xử lý rất đơn giản, nhanh gọn, nhưng lại được phức tạp hóa bằng việc bắt đầu từ chuyên viên, sau đó chuyển lên phó phòng, trưởng phòng, rồi vụ phó, vụ trưởng cho ý kiến trước khi trình lãnh đạo bộ.

Ở hệ thống ngành dọc, cụ thể là cấp tổng cục và địa phương, nhiều công việc xử lý hành chính cũng được giải quyết tương tự, thậm chí thời gian giải quyết còn nhiều gấp 2-3 lần nếu phải chuyển lên cấp bộ xử lý.

Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chắc chắn sẽ phát sinh nhiêu khê, nhũng nhiễu, khiến người dân và doanh nghiệp không khỏi ái ngại mỗi lần đến cơ quan công quyền.

Khác một chút so với hệ thống hành chính nhà nước, với đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục, sẽ khó chia nhỏ công việc, chẳng hạn như chia nhỏ sỹ số học sinh để ai cũng được đứng lớp. Chính vì vậy, khi số lượng viên chức hợp đồng, chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học dư thừa quá lớn (gần 123.500 người tính đến năm 2017), không ít địa phương đã phải mạnh tay cắt giảm viên chức hợp đồng, chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu do ngân sách không đủ sức chịu đựng. Hệ quả là một lượng không nhỏ giáo viên mất việc, nguồn lực xã hội bị lãng phí, giáo viên đang làm việc thì lo lắng, trong khi lỗi ký hợp đồng với cơ quan nhà nước để có công ăn, việc làm trong đơn vị sự nghiệp công không thuộc về họ.

Quan điểm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, sự nghiệp đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW (ngày 25/10/2017). Trước mắt, từ nay đến năm 2021 tối thiểu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; 10% biên chế công chức và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; giải tán phòng trong vụ không cần thiết, sáp nhập các đơn vị có chức năng tương đồng...

Bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, chi thường xuyên từ ngân sách quá nhiều đã và đang cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức được xác định rất cụ thể. Vấn đề đặt ra lúc này là thực hiện thế nào cho thực sự hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác