Thời sự
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 12.823 tỷ đồng
Nguyễn Lê - 17/10/2024 10:34
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 1 hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước.
Ảnh minh họa.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với các báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính 12.823 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 395 tỷ đồng, giảm chi NSNN 4.171 tỷ đồng; kiến nghị khác 8.257 tỷ đồng.

Thông tin trên được Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu tại báo cáo công tác năm 2024, vừa hoàn thành ngày 15/10, gửi tới Quốc hội.

Ông Tuấn cho hay, đến 30/9/2024, toàn ngành đã xét duyệt 138 kế hoạch kiểm toán, triển khai 126 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 84 đoàn, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 100 Dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 85 báo cáo kiểm toán.

Ngoài kiến nghị xử lý tài chính như đã nêu trên, KTNN còn đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 92 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý (gồm 1 Luật, 3 Nghị định, 8 Thông tư, 5 Quyết định Thủ tướng Chính phủ và 75 văn bản khác).

Nêu một số kết quả chủ yếu, với quản lý, sử dụng tài sản công, Tổng Kiểm toán cho hay, một số đơn vị thuộc Bộ Xây dựng chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp còn một số tồn tại, chưa di dời được các hộ gia đình ra khỏi khuôn viên trụ sở làm việc hoặc chưa xử lý dứt điểm việc di dời các hộ dân trong khuôn viên.

Ngoài ra, một số nơi sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa lập đề án hoặc đã lập đề án nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt sử dụng số xe ô tô vượt định mức.

Kết quả kiểm toán tại một số doanh nghiệp cho thấy, có đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam - TKV 2.977,63 ha); một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ khó đòi lớn (TKV 122,86 tỷ đồng), còn vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển, thực hiện chương trình khuyến mại không đúng quy định…

Một số đơn vị đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao (Công ty mẹ TKV có 6 khoản đầu tư, TCT Khoáng sản TKV có 4/7 khoản đầu tư chưa chia cổ tức, nộp lợi nhuận do sau phân phối không đủ để chia cổ tức/nộp hoặc có lãi nhưng còn lỗ lũy kế). Một số đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ (Công ty mẹ TKV có 4 khoản đầu tư có số lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2023/vốn góp 412,95/1.759,57 tỷ đồng (23,46% vốn chủ sở hữu) và 1 khoản đầu tư phải trích lâp dự phòng 100% tương ứng 55,87 tỷ đồng; TCT Khoáng sản TKV có 1 khoản đầu tư không bảo toàn được vốn).

Kết quả kiểm toán tại một số ngân hàng cho thấy còn nợ tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí  chưa đúng quy định; còn diện tích đất chưa được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, chưa thực hiện xong thủ tục chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.

Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp , trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay (thẩm định sơ sài; định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm; thiếu chứng từ giải ngân/tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn; kiểm tra, giám sát sau cho vay chưa đầy đủ...).

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chuyển 1 hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra, làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Cao Nguyên BP. Đồng thời phối hợp cung cấp nhiều tài liệu, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để làm rõ theo thẩm quyền.

 

Tin liên quan
Tin khác