Được khởi động từ năm 2008, nhưng đến thời điểm 30/9/2022, Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) mới thực hiện được khoảng 800 tỷ đồng |
Phải hủy vốn vay
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán Dự án Phát triển Giao thông vận tải (GTVT) khu vực Đồng bằng Bắc bộ (WB6) do Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Đây là một trong những dự án hiếm hoi trong lĩnh vực hạ tầng đường thủy nội địa sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn đối ứng là 28,45 triệu USD, vốn WB là 78,74 triệu USD.
Phần lớn nguồn vốn của Dự án đang được dồn cho Hợp phần A2 - xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ dài khoảng 1 km, rộng đáy kênh 90 - 100 m; âu tàu có kích thước trong buồng âu rộng 17 m, dài 179 m và cao độ đáy -7 m; cầu vượt kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ. Toàn bộ hạng mục nói trên đều được triển khai tại địa bàn huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định).
Cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ là một phần của giải pháp kết nối tích hợp, cho phép các tàu biển trọng tải lớn tiếp cận hiệu quả hơn cảng Ninh Phúc từ luồng vào cửa Lạch Giang, sông Ninh Cơ, sau đó kết nối qua kênh với sông Đáy. Khi cụm công trình hoàn thành, đi vào khai thác sẽ giảm khoảng 20% thời gian di chuyển của tàu từ Nam Định đến cảng tại các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng..., giảm chi phí hậu cần, nhất là mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lớn cho người dân thuộc khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
- Phê duyệt quyết định đầu tư: ngày 4/4/2008
- Phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư: Quyết định số 1038/QĐ-BGTVT ngày 2/4/2014; Quyết định số 3961/QĐ-BGTVT ngày 9/12/2016; Quyết định số 2329/QĐ-BGTVT ngày 13/12/2019 của Bộ GTVT.
- Thời điểm ký kết Hiệp định tín dụng: ngày 10/11/2008; gia hạn Hiệp định: ngày 30/6/2022
- Thời gian thực hiện Dự án theo Hiệp định:
+ Bắt đầu: 6/2008
+ Kết thúc: 6/2023
Mặc dù được khởi động từ năm 2008, nhưng tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước “chốt sổ” vào ngày 30/9/2022, Dự án mới thực hiện được khoảng 800 tỷ đồng, trong khi thời hạn kết thúc Hiệp định vay vốn vừa được WB gia hạn là ngày 30/6/2023.
Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận tại Dự án WB6 liên quan đến tổng mức đầu tư cho Hợp phần A2 tăng tới 72,32 triệu USD, tăng khoảng 2,1 lần so với Quyết định phê duyệt dự án số 883/QĐ-BGTVT, ngày 4/4/2008 của Bộ GTVT.
Điều đáng nói là, sau khi triển khai thực hiện bước thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu, tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng, thì giá các gói thầu và các khoản mục công việc giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 3961/QĐ-BGTVT, ngày 9/12/2016 là 22,7 triệu USD (tương đương 512 tỷ đồng). Phần vốn dư này sau đó đã được Ban Quản lý các dự án đường thủy báo cáo cấp có thẩm quyền tiến hành hủy. Đến ngày 30/6/2022, WB đã có thư trả lời về việc đồng ý hủy vốn dư của Hiệp định vay vốn cho Dự án WB6.
Mặc dù đây không phải là khoản thất thoát, nhưng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc tính toán tổng mức đầu tư của Dự án để xác định nhu cầu vốn có sai sót, một số nội dung chưa phù hợp với quy định tại bước lập, phê duyệt điều chỉnh Dự án.
Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, nếu không được nhà tài trợ chấp thuận hủy phần vốn Dự án và bố trí cho dự án khác, chủ đầu tư Dự án WB6 có thể phải trả một khoản phí cam kết cho WB tương ứng với giá trị vốn vay dư phải hủy từ thời điểm Hiệp định vay có hiệu lực đến thời điểm nhà tài trợ đồng ý hủy vốn vay. Trong khi đó, đến ngày 30/9/2022, chủ đầu tư vẫn chưa rà soát, điều chỉnh các sai sót trong tổng mức đầu tư.
Một hạn chế lớn khác tại Dự án WB6 là trong quá trình triển khai công trình, đơn vị chủ quản Dự án đã phải điều chỉnh nhiều lần mục tiêu, tiến độ công trình.
Tính từ năm 2008 đến nay, Dự án đã 3 lần phải điều chỉnh, trong đó chủ yếu là để giãn tiến độ triển khai. Đến tháng 1/2022, chủ dự án đã phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện Dự án WB6 đến ngày 30/6/2023.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, việc phải giãn tiến độ thêm 1 năm so với tiến độ được điều chỉnh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19; xuất hiện sự cố sạt lở, trượt trồi mái dốc trên công trường dẫn đến phải rà soát, điều chỉnh lại thiết kế và trình tự thi công các hạng mục; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tại Quyết định số 681/QĐ-TTG ngày 6/6/2022 về việc gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Dự án, bố trí đầy đủ kế hoạch các nguồn vốn cho Dự án, đảm bảo hoàn thành Dự án đúng thời hạn được gia hạn.
“Trường hợp Dự án không hoàn thành đúng thời hạn vào ngày 30/6/2023, Bộ GTVT chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành của Dự án”, Quyết định số 681/QĐ-TTG nêu rõ.
Vỡ kế hoạch vốn
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù Bộ GTVT đã đôn đốc, chỉ đạo rất sát sao, nhưng nguy cơ vỡ tiến độ, “lụt” thời gian Hiệp định vay vốn (WB đã đồng ý gia hạn thời gian đóng Hiệp định vay đến ngày 30/6/2022) của Dự án là rất lớn.
Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, tại thời điểm 30/9/2022, cả 4 gói thầu xây lắp tại Dự án đều bị chậm tiến độ, trong đó gói thầu có khối lượng thi công cao nhất đạt 58% giá trị hợp đồng, gói thầu có giá trị thi công thấp nhất đạt 30,1% giá trị hợp đồng. Mặc dù các gói thầu đã được gia hạn thời gian hoàn thành, nhưng chủ đầu tư và các bên liên quan chưa xác định trách nhiệm của mỗi bên trong việc chậm triển khai thực hiện hợp đồng ký kết.
Do bị ảnh hưởng dây chuyền, nên toàn bộ kế hoạch giải ngân vốn cho Dự án WB6 do Ban Quản lý các dự án đường thủy xây dựng từ năm 2019 đến năm 2022 đều không đạt, dẫn đến phải điều chỉnh, hủy vốn. Cụ thể, năm 2019 phải hủy 194 tỷ đồng vốn ODA (100% kế hoạch giao); năm 2020 phải hủy 1,2 tỷ đồng vốn ODA và năm 2021 phải hủy 77,7 tỷ đồng vốn ODA.
“Tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về trách nhiệm của Ban Quản lý các dự án đường thủy và các đơn vị liên quan”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Tại Dự án WB6, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư xử lý tài chính khoảng 12,98 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giảm giá trị hợp đồng còn lại. Do dự án vẫn đang trong giai đoạn triển khai, nên Ban quản lý các dự án đường thủy hoàn toàn có cơ hội xử lý nội dung này theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.
Trong quá trình kiểm toán Dự án WB6, Kiểm toán Nhà nước còn ghi nhận một số bất cập về chính sách trong quản lý đầu tư xây dựng.
Theo đó, các văn bản quy định về mức tạm ứng hợp đồng tại thời điểm Dự án WB6 triển khai chưa có sự thống nhất. Tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về việc quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng xác định: “Mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 50% giá trị hợp đồng, bao gồm cả dự phòng”. Tuy nhiên, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công lại quy định: “Tổng mức vốn tạm ứng trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư đảm bảo không vượt quá 30% giá trị hợp đồng, bao gồm cả dự phòng”.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu rà phá bom mìn, vật nổ để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, tiết kiệm, thay vì thực hiện chỉ định thầu cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện như hiện nay. Kiểm toán Nhà nước ghi nhận, hiện có ít nhất 10 đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng rà phá bom mìn trên cơ sở đơn giá, định mức do Bộ Quốc phòng ban hành.
Được biết, trong công văn gửi Ban Quản lý các dự án đường thủy triển khai kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về Dự án WB6, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện kiểm điểm, chấn chỉnh đối với các tồn tại trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Các nội dung Ban Quản lý các dự án đường thủy phải kiểm điểm gồm: công tác tổ chức lập điều chỉnh dự án đầu tư; lập thiết kế, dự toán công trình (trong đó xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với các tồn tại liên quan đến công tác thiết kế, lập dự toán); việc thanh toán khối lượng hoàn thành chưa đúng quy định trong điều khoản của hợp đồng tại một số gói thầu: gói thầu CS-C3iii - Giám sát độc lập về thực hiện kế hoạch tái định cư
và an toàn lao động hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ, gói thầu CV-A2.9-NDTDP, gói thầu CV-A2.6-NDTDP; công tác quản lý tiến độ thực hiện của các gói thầu; công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, công tác lập kế hoạch giải ngân và giải ngân vốn đầu tư, công tác hạch toán ghi thu - ghi chi và các nội dung tồn tại khác đã được nêu trong Báo cáo kiểm toán.
“Các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (với những kiến nghị đã thực hiện cần ghi rõ tên bằng chứng, kèm theo các chứng từ, tài liệu… để chứng minh; với những kiến nghị đang thực hiện và kiến nghị chưa thực hiện phải giải thích rõ lý do), báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 10/6/2023 để tổng hợp gửi Kiểm toán Nhà nước”, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.