Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn xác định điều kiện tiên quyết để cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là giảm chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1) của doanh nghiệp.
Trung tâm hành chính công là đột phá trong cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và đẩy mạnh thu hút đầu tư |
Bà có nhận xét về kết quả PCI năm 2019 của tỉnh Kiên Giang?
PCI năm 2019 của Kiên Giang, qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương được duy trì, thuộc nhóm điều hành loại khá. Tuy nhiên, vẫn cần tới những nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Kết quả điểm tổng hợp PCI năm 2019 của Kiên Giang đạt 64,99 điểm tăng 1,57 điểm so năm 2018 (63,42 điểm), đứng hạng 35/63 cả nước (giảm 4 hạng) và hạng 7 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (giữ nguyên) so với năm 2018.
Trong đó có 6 chỉ số tăng điểm, tăng hạng gồm: Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai và mức độ ổn định trong sử dụng đất, Tính minh mạch và tiếp cận thông tin, Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 1 chỉ số tăng điểm, giảm hạng: Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh; 3 Chỉ số giảm điểm, giảm hạng là Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động.
Là địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, tuy có nhiều thuận lợi, nhưng chúng ta cũng gặp không ít khó khăn chung của khu vực như hệ thống đường bộ hạn chế; đường cao tốc duy nhất kết nối từ Kiên Giang đi TP.HCM chỉ có chiều dài khoảng 50 km, trong khi tổng chiều dài đường cao tốc cả nước đã trên 1.000 km. Ngoài ra, giao thương của Kiên Giang phụ thuộc vào đường thủy nội địa, nhưng hệ thống này cũng còn rất yếu kém.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo. |
Theo tôi, kết quả PCI năm 2019 là phản ánh phù hợp từ cộng đồng doanh nghiệp, tổng điểm số tăng hơn so năm 2018. Khách quan có thể đánh giá lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương đã nỗ lực rất lớn trong nâng cao chất lượng điều hành, đơn cử như số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019 là 1.447 doanh nghiệp, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL.
Về thu hút vốn FDI, lũy kế đến năm 2019 là 4,802 tỷ USD (vốn đăng ký), đứng hạng 2 khu vực ĐBSCL. Mặc dù, những chỉ tiêu này chưa thể mô tả hết môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nhưng nó đã cho chúng ta thấy những dấu hiệu đáng mừng và đáng khích lệ mà chính quyền Kiên Giang đã và đang làm hết sức mình vì lợi ích của doanh nghiệp, cũng là lợi ích của người dân Kiên Giang.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang đã làm những gì để góp phần cải thiện CPI của tỉnh, thưa bà ?
Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo phân tích, đánh giá kết quả PCI và đề ra giải pháp cải thiện, nâng cao PCI hàng năm, chúng tôi đã tiếp cận các thông tin từ VCCI Việt Nam, học tập kinh nghiệm một số tỉnh có chỉ số PCI thuộc nhóm rất tốt, để từ đó định hướng tham mưu lãnh đạo tỉnh định hướng trong chỉ đạo điều hành nâng cao chỉ số PCI.
Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm làm tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, địa phương và đặc biệt hàng năm đều tổ chức thực hiện lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Từ đó, chúng tôi cùng với ngành và chính quyền các cấp sơ kết và tổng kết hàng năm để chấn chỉnh rút kinh nghiệm. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp 2 lần/năm, để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời.
Ngoài ra, Trung tâm chúng tôi cập nhật, thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trung tâm (www.kitra.com.vn) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nội dung cập nhật tin bài vào các chuyên mục: Hoạt động Kitra, tin hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại du lịch, cơ hội giao thương, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, thông tin cần biết về các vùng du lịch trong tỉnh, thông tin thị trường nước ngoài.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số B1 cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Trung tâm có giải pháp gì, thưa bà ?
Tiếp tục tranh thủ hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương trong công tác thu hút đầu tư; Tìm kiếm, thiết lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam...
Thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đa dạng hóa hình thức tổ chức, vận động, quảng bá, xúc tiến đầu tư phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực để đạt hiệu quả cao nhất; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp sạch và chế biến nông lâm sản, thủy sản, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ.
Tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh; tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, xây dựng môi trường sản xuất - kinh doanh công bằng, bình đẳng, thân thiện. Tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao PCI hàng năm. Thường xuyên tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đến nay tất cả viên chức sử dụng hệ thống thư điện tử để trao đổi công việc, đáp ứng yêu cầu trao đổi văn bản điện tử và văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh. Đồng thời thực hiện chứng thư số và chữ ký số trong giải quyết văn bản đi đến theo quy định.
Đối với lĩnh vực xúc tiến thương mại, Trung tâm sẽ phối hợp cùng với các sở, ngành chức năng và địa phương xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu các sản phẩm của tỉnh; tăng đầu tư tạo nguồn hàng và phát triển sản phẩm; phối kết hợp đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm chủ lực... Phối hợp với các sở, ngành chức năng đề xuất giải pháp hỗ trợ để các sản phẩm chủ lực đều được gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ; nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại...
Về lĩnh vực xúc tiến du lịch, Trung tâm đang nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch đồng thời nhằm triển khai thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hoá hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, có trọng tâm trọng điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại chỗ, chú trọng thị trường gần, khách hàng gần. Tăng cường công tác phối kết hợp với Tổng cục Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch.