Giải pháp tình thế
Theo báo cáo tại Hội nghi sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban quản lý khu kinh tế (BQL KKT) vào ngày 30/7 vừa qua, gần 5 năm qua dự án KCN Thuận Yên ở TX Hà Tiên và Thạnh Lộc ở huyện Châu Thành đã có các nhà đầu tư hạ tầng (nhà đầu tư cấp 1) được cấp phép làm chủ đầu tư KCN, nhưng đã lần lượt “ra đi”.
Đây là hai dự án KCN đầu tiên và có quy mô lớn nhất tỉnh, mỗi dự án có từ 140 – 250 ha mặt bằng, với tổng vốn đầu tư hạ tầng cho mỗi dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Nhằm “kích hoạt” nhà đầu tư, vào năm 2012, UBND tỉnh Kiên Giang ứng vốn của Chính phủ hỗ trợ chương trình có mục tiêu, dành hơn 110 tỷ đồng giao cho BQL KKT tỉnh để bồi thường, giả phóng mặt bằng KCN Thạnh Lộc 70 tỷ đồng và Thuận Yên 40 tỷ đồng. Nhưng theo BQL KKT tỉnh Kiên Giang, nguồn vốn đó vẫn chẳng thấm vào đâu.
| ||
Tỉnh Kiên Giang quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho các KCN trên địa bàn |
Cụ thể, KCN Thuận Yên đền bù giải phóng mặt bằng được 141 ha; KCN Thạnh Lộc đền bù giải phóng mặt bằng được 50 ha trong tổng số 250 ha và ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng được tuyến đường chính đấu nối với tuyến đường tránh TP Rạch Giá và hai tuyến đường xương cá với tổng chiều dài trên 2 km trong KCN Thạnh Lộc.
Đến nay, BQL KKT đã cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Kiên Giang vào KCN Thuận Yên; cấp phép đầu tư cho Công TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang và nhà máy chế biến gỗ MDF của Tập đoàn Cao su Việt Nam vào KCN Thạnh Lộc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang chờ KCN đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thì mới đóng tiền sử dụng đất và triển khai xây dựng nhà máy.
Phó BQL KKT tỉnh Kiên Giang, ông Trần Thanh Phong kiến nghị, UBND tỉnh trích ngân sách ra ứng vốn tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp này để đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu vực, giao đất cho doanh nghiệp trong KCN.
Khi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, giao mặt bằng cho doanh nghiệp vào xây dựng nhà máy thì thu tiền sử dụng đất trả lại cho ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được tỉnh chấp thuận.
Đi tìm cơ chế đặc thù cho KCN
Phó giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, ông Lâm Thanh Hùng nêu nghịch lý, thời gian gần đây, dọc theo Quốc lộ 63, đoạn từ thị trấn Minh Lương – Tắc Cậu đã “mọc” lên 21 nhà máy chế biến thủy sản, với hàng chục ha đất, nằm ngoài quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, KCN Thạnh Lộc cùng nằm trên địa bàn huyện Châu Thành và chỉ cách đó khoảng 10 km thì “ế khách”, còn Khu cảng cá Tắc Cậu thì hết chỗ.
Lý giải vấn đề này, theo Phó BQL KKT Kiên Giang Trần Thanh Phong, đó là do giá đất chưa có hạ tầng kỹ thuật trong KCN hiện đã cao hơn bên ngoài, vì chi phí đền bù giải tỏa lên đến 1,6 tỷ đồng/ha. Thêm vào đó, tỉnh chưa có cơ chế chính sách đặc thù cho KCN để thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cấp 1.
Hiện tại, trong KCN Thạnh Lộc còn tới 70% diện tích chưa đền bù giải tỏa cũng như chưa có hạ tầng hoàn chỉnh và chưa xây dựng được giá đất hoàn thiện hạ tầng trong KCN…Do đó, nhiều doanh nghiệp – nhà đầu tư cấp 2 chưa đăng ký vào.
Để tháo gỡ khó khăn cho các KCN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng thống nhất, tiếp tục hỗ trợ đền bù giải tỏa dứt điểm một số vị trí trong KCN còn dang dở.
Đồng thời, ông Hồng đề nghị BQL KKT tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng trong KCN đã được duyệt, để kịp thời và đồng bộ với dự án đầu tư của các doanh nghiệp đang triển khai vào đây.
“BQL KKT tỉnh Kiên Giang cần sớm đề xuất với UBND tỉnh về cơ chế chính sách đặc thù cho các KCN của tỉnh để kêu gọi nhà đầu tư vào KCN. Đồng thời, cần sớm làm rõ giá đất hoàn chỉnh hạ tầng trong KCN của tỉnh cụ thể là bao nhiêu, và cao hơn so với các KCN của các tỉnh lân cận như thế nào. Trên cơ sở đó, nếu xét thấy hợp lý, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh, đề xuất cho phép miễn - giảm tiền sử dụng đất hoặc dùng ngân sách hỗ trợ để hạ giá đất hoàn thiện hạ tầng trong KCN. Có thế mới hy vọng lấp đầy 100% các KCN vào cuối năm 2015 theo nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ đề ra”, ông Phạm Vũ Hồng nêu quyết tâm.
Huy Thịnh