Thời sự
Kiên Giang muốn trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia
Thanh Huyền - 25/03/2023 08:23
Đó là mục tiêu đến năm 2030 được tỉnh Kiên Giang xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Địa phương có vị trí chiến lược quan trọng

Chiều 24/3, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Sắp tới, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Với bờ biển dài trên 200 km, vùng biển rộng hơn 63.000 km, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, có 2 cửa khẩu, 2 sân bay.

Tỉnh Kiên Giang là một trong số ít địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vừa có đồng bằng, rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo; nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc; có lợi thế, tiềm năng phát triển cả nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Tuy nhiên, “điểm nghẽn” của tỉnh hiện nay là hạ tầng liên kết vùng kém gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa và kết nối với các tuyến giao thông quốc gia, thiếu nhân lực trình độ cao, công nghiệp chưa chú trọng chất lượng, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, tỉnh còn đang phải đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các vấn đề về an ninh…

Định hình các giá trị mới cho tỉnh Kiên Giang

Theo dự thảo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Tây Nam bộ; có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư vượt trội để thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ; trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng ĐBSCL đối với du khách.

Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia; trong đó có: Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; Hà Tiên là đô thị di sản; Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ hướng biển.

Hướng tới 2050, Kiên Giang trở thành một trong những nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam bộ; là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ; là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu với hệ thống đô thị hiện đại tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo; trong đó, các bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử của Kiên Giang được bảo tồn và thể hiện rõ nét.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá chiến lược.

4 đột phá gồm được xác định là: (1) hình thành khu kinh tế biển phía Tây, phát triển kinh tế đất liền hướng biển; (2) phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù; (3) chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế của tỉnh và xây dựng chính phủ số; và (4) lấn biển theo định hướng sáng tạo, các địa phương lấn biển bao gồm TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, và Kiên Hải.

Tuy nhiên, việc lấn biển cần phải cẩn trọng đến các vấn đề về môi trường, tránh để lại hậu quả cho hệ sinh thái ven bờ, chất lượng nguồn nước, và hoạt động kinh tế biển của Kiên Giang.

Về không gian phát triển tỉnh Kiên Giang, được làm rõ qua cấu trúc 3 hành lang kinh tế chiến lược và 2 khu vực động lực, trong đó, mỗi không gian được định vị các vai trò quan trọng có thể phát triển, hỗ trợ cho nhau, tạo động lực thúc đẩy các khu vực còn lại trên cơ sở phát huy thế mạnh, hạn chế mặt yếu.

Tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng liên huyện giàu đặc trưng và hướng tới sự hiệp đồng giữa các địa phương và 3 cực động lực phát triển gồm: Thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc và thành phố Hà Tiên.

Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 33 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại I (thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc), 1 đô thị loại II (thành phố Hà Tiên), 1 đô thị loại III (thị xã Kiên Lương); 10 đô thị loại IV; 19 đô thị loại V.

Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Kiên Giang trong thời kỳ quy hoạch.

Tin liên quan
Tin khác