Kiên Giang có cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặc biệt là những vùng biển đảo đẹp nổi tiếng. Trong ảnh: Đảo Hòn Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). |
Tạo đà tăng tốc bền vững
Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thu hút được 300 dự án đầu tư vào du lịch, với tổng diện tích 10.636 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký là 334.193 tỷ đồng. Trong đó, 189 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với quy mô 5.719 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 191.028 tỷ đồng; 43 dự án đang triển khai xây dựng với tổng quy mô 3.683 ha và tổng vốn đầu tư ước 129.639 tỷ đồng; 68 dự án đi vào hoạt động với tổng quy mô 1.235 ha và tổng vốn đầu tư ước 13.526 tỷ đồng.
Đáng kể là đảo Phú Quốc thu hút được nhiều dự án du lịch nhất tỉnh Kiên Giang, với nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group, FLC, Mường Thanh… đã và đang tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở lưu trú cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, phố biển du lịch... với quy mô lớn và đa dạng phục vụ du khách. Đặc biệt, với sự tham gia liên kết làm du lịch của các tập đoàn nổi tiếng thế giới như JW Mariott, Novotel... đã và đang góp phần phát triển nhanh du lịch Phú Quốc nói riêng và ngành du lịch tỉnh Kiên Giang nói chung.
6 tháng đầu năm 2019, Kiên Giang đón 4.298.542 lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế khoảng 405.500 lượt, tăng 28,2% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 4.268 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch có chất lượng khá tốt, đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách du lịch cả trong mùa cao điểm lẫn những ngày diễn ra các sự kiện lớn. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là 726 cơ sở với 22.654 phòng. Trong đó, 97 cơ sở được xếp hạng 1 sao, với 1.985 phòng; 49 cơ sở được xếp hạng 2 sao, với 1.754 phòng; 8 cơ sở được xếp hạng 3 sao, với 524 phòng; 9 cơ sở được xếp hạng 4 sao, với 1.218 phòng và 10 cơ sở được xếp hạng 5 sao với 6.861 phòng; còn lại là nhà nghỉ và các loại hình cơ sở lưu trú khác.
Hoạt động lữ hành cũng có bước phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số cơ sở lữ hành đang hoạt động kinh doanh là 101 doanh nghiệp. Trong đó, có 16 cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Các đơn vị kinh doanh lữ hành trong tỉnh đã tổ chức nhiều tour du lịch, phát triển các tour du lịch mới đến các đảo thuộc quần đảo Nam An Thới, Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa, đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách. Một số đơn vị lữ hành tại Phú Quốc đã chủ động khai thác các thị trường khách outbound bằng các chuyến bay thuê bao (charter) như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bãi tắm đẹp như thiên đường ở đảo Phú Quốc. |
Phát triển du lịch bền vững
Du lịch Kiên Giang còn có thế mạnh nhờ vị trí địa lý thuận lợi kết nối với các nước ASEAN, đặc biệt là gần đường biển quốc tế và đường bộ Hành lang ven biển phía Nam đang thi công. Con đường này chạy dài ven biển Tây từ Cà Mau - Kiên Giang qua Campuchia và Thái Lan. Lợi thế này đang mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và thực hiện được vai trò là cầu nối giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài quốc gia.
“Phấn đấu đến hết năm 2019, du lịch Kiên Giang đón 8,7 triệu lượt khách, tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 700.000 lượt, tăng 17,3% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 8.200 tỷ đồng, tăng 30,1% so với năm 2018", ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết.
Có thể nói, những tiềm năng và lợi thế du lịch của Kiên Giang được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Do đó, mỗi địa phương đều có thể dựa vào tài nguyên sẵn có để khai thác phát triển các loại hình du lịch phù hợp. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất ở những địa danh đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Hải, U Minh Thượng… Đặc biệt, Kiên Giang còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích trên 1,1 triệu ha, là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nghiên cứu khoa học.
Riêng đảo Phú Quốc đã được quy hoạch và đang phát triển thành khu kinh tế biển - trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Với cảnh quan thiên nhiên và điều kiện địa lý tuyệt vời, cùng với những nỗ lực trong nhiều năm gần đây về đổi mới cơ chế, chính sách, về tuyên truyền quảng bá, về xúc tiến đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch… đảo Phú Quốc đang trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống của Kiên Giang cũng được chú trọng khai thác, đã mang lại những thành công nhất định đối với du lịch. Trong đó, có thể kể đến như nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, rượu sim, sản phẩm ngọc trai, cỏ bàng, lục bình, chiếu Tà Niên… đã và đang tạo được thương hiệu.
Ông Trần Chí Dũng cho biết thêm, nhân Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang lần này, Sở Du lịch hướng tới mục tiêu là quảng bá điểm đến, tăng cường thu hút du khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, tăng cường hội nhập quốc tế và thu hút các nguồn đầu tư để phát triển du lịch; phát huy lợi thế của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Phú Quốc - Kiên Giang nói riêng.
“Mục tiêu liên kết là tập trung xây dựng, làm mới, đa dạng hóa, khác biệt hóa hệ thống sản phẩm du lịch để đủ sức cạnh tranh và mở rộng thị trường du lịch trong khu vực và quốc tế”, ông Dũng nói.