Thời sự
Kiên Giang quyết tâm trở lại nhóm “khá” về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Trúc Giang - 05/10/2021 19:12
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để trở lại nhóm “khá” của cả nước trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 953 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 18.882 tỷ đồng; giảm 67 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Bên cạnh 420 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 43 doanh nghiệp so cùng kỳ), trên địa bàn Tỉnh có 328 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 119 doanh nghiệp so cùng kỳ).

Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh Kiên Giang cấp mới 10 quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.950 tỷ đồng, cấp điều chỉnh 73 quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn đầu tư gần 124 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tỉnh Kiên Giang có 817 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 811.145 tỷ đồng.

Khu đô thị lấn biển TP. Rạch Giá, Kiên Giang

Với mục tiêu Chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh (PCI) năm 2021 phải tăng điểm, tăng hạng để trở lại thứ hạng khá của cả nước, từ đầu năm đến nay, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, đầu tư.

UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành, các cấp thường xuyên rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến các điều kiện sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp phải hoàn thành trước khi đi vào hoạt động hoặc triển khai dự án, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, cải cách về thuế, tín dụng…

Hiện nay, thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Kiên Giang đã được rút ngắn đáng kể.

Cụ thể, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đã rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 1,5 ngày; thủ tục đăng ký thay đổi doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 0,5 ngày. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, đầy đủ, đúng quy định trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh, trụ sở làm việc của các cơ quan, địa phương, đơn vị, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt các nhiệm vụ khảo sát, theo dõi tình hình khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong phát triển cụm công nghiệp, đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tiềm năng của tỉnh, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ giảm giá điện; tổ chức đường dây nóng để trao đổi thông tin giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu…

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã liên kết các Cơ quan Thương vụ; Tổ chức xúc tiến thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức hoặc tham gia các sự kiện giao thương với đối tác nước ngoài, chủ yếu bằng hình thức trực tuyến nhằm giới thiệu tiềm năng, thông tin sản phẩm và kết nối doanh nghiệp, như các nước: Chile, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Đức, Lào, Malaysia, Myanmar, Nam Phi, Nhật, Úc, Pakistan, Singapore, Trung quốc. Đồng thời, tham gia các sự kiện kết nối ngoại thương do Bộ Ngoại giao, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Tổ chức Ernst and Young và ASEAN tổ chức, điển hình như: Hội thảo thúc đẩy thương mại và đầu tư hàng tiêu dùng và công nghệ y tế trong khu vực ASEAN, Phiên giao thương thủy sản giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, Hội thảo về phát triển nông nghiệp Việt Nam - châu Phi.

Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang còn phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp đưa các sản phẩm xuất khẩu, nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản cả nước, trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ tiêu thụ 60 sản phẩm nông, thủy sản của địa phương vào hệ thống siêu thị trên địa bàn Tỉnh. Trang thương mại điện tử của Trung tâm hiện có trên 270 sản phẩm của gần 50 doanh nghiệp, hợp tác xã trong Tỉnh tham gia. 

Về đào tạo lao động, trong 9 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang đã tư vấn cho 24.531 lượt lao động; tuyển sinh, đào tạo 15.411 người, đạt 61,64% so kế hoạch; giải quyết việc làm cho 19.464 lượt người, đạt 55,61% kế  hoạch…

Năm 2020, điểm tổng hợp chỉ số PCI của Kiên Giang đạt 60,01 điểm giảm 4,98 điểm so với năm 2019, đứng hạng 62/63 cả nước (giảm 27 hạng) và xếp hạng 12/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan
Tin khác