Ảnh minh hoạ. |
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Đây là 2 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai theo phương thức PPP.
Hiện cả 2 dự án đều đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định, phê duyệt nhưng đang gặp khó khăn trong việc lập phương án tài chính khi phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án còn thấp.
Để đảm bảo phương án tài chính và tính khả thi tài chính, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét, hỗ trợ thêm nguồn vốn ngân sách trung ương cho 2 dự án trên trong điều kiện ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ bổ sung thêm Ngân sách trung ương khoảng 2.410 tỷ đồng cho Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (tương đương Ngân sách nhà nước tham gia vào dự án là 8.910 tỷ đồng, chiếm 49,56%).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung thêm ngân sách trung ương khoảng 922 tỷ đồng cho Dự án PPP cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (tương đương ngân sách nhà nước tham gia vào dự án là 8.683 tỷ đồng, chiếm 49,5%).
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngân sách địa phương tỉnh Lâm Đồng sẽ có trách nhiệm cân đối thêm 3.761 tỷ đồng đối ứng cho Dự án PPP cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (đây là số tiền dự kiến bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng đất, tuy nhiên khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng lấy ý kiến nhân dân; người dân kiến nghị được bồi thường bằng tiền).
Dự án PPP cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022.
Theo đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 66 km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55 km), bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng; trong đó phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, chiếm 37,79% tổng mức đầu tư của Dự án (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, chiếm 11,63%, ngân sách địa phương 4.500 tỷ đồng, chiếm 26,16%); phần vốn sở hữu các nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác khoảng là 10.700 tỷ đồng.
Đặc biệt, Dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật PPP năm 2020 (chỉ áp dụng chia sẻ phần doanh thu tăng). Quy định này, theo UBND tỉnh Lâm Đồng là đã gây làm giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (các nhà đầu tư đề xuất dự án hiện đang đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm cho dự án) và các ngân hàng thương mại cho vay vốn đối với dự án.
Bên cạnh đó, theo kết quả thẩm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án thì chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tăng 1.699 tỷ đồng (từ 1.122 tỷ đồng lên 2.821 tỷ đồng) nên tổng mức đầu tư Dự án ở bước Báo cáo nghiên cứu khả thi tăng lên 18.120 tỷ đồng.
Việc tăng tổng mức đầu tư nêu trên đã giảm tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào Dự án (từ 37,79% xuống còn 36%) và làm tăng thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 7 tháng là khá dài so với các dự án cao tốc khác (dưới 20 năm), như: Diễn Châu - Bãi Vọt (vốn ngân sách Nhà nước chiếm 54%), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (vốn ngân sách Nhà nước chiếm 64%), Đồng Đăng - Trà Lĩnh (vốn ngân sách Nhà nước chiếm 68%)...
Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương khi thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đã cho rằng, thời gian hoàn vốn 28 năm 7 tháng là khá dài so với các dự án khác thuộc lĩnh vực giao thông; đồng thời sẽ gặp khó khăn khi vay vốn các tổ chức tín dụng.
Do đó để đảm bảm tính khả thi của Dự án PPP cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, đại diện nhà đầu tư đề xuất dự án (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) đã đề xuất phương án tăng phần vốn nhà nước lên 8.910 tỷ đồng, chiếm 49,56% tổng mức đầu tư của Dự án; phần vốn sở hữu các nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác khoảng 9.070 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng mức đầu tư (vốn nhà đầu tư 1.360 tỷ đồng; vốn huy động khác 7.709 tỷ đồng), thời gian hoàn vốn 20 năm 2 tháng.
“Như vậy, số vốn ngân sách nhà nước tham gia vào là Dự án PPP cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc 2.410 tỷ đồng”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Trong khi đó, Dự án PPP cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, giai đoạn 1 đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 9/12/2022.
Tuyến đường có chiều dài 73,64 km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe ô tô, tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng; trong đó phần vốn Nhà nước 7.761 tỷ đồng, chiếm 39,76% tổng mức đầu tư của Dự án (gồm ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 1.500 tỷ đồng và số vốn tương đương với 3.761 tỷ đồng dự kiến bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất); phần vốn sở hữu các nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác khoảng 11.700 tỷ đồng, chiếm 60,24% tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn 23 năm 8 tháng.
Tuy nhiên, qua lấy ý kiến cộng đồng dân cư với các hộ dân tại khu vực dự án thì các hộ dân đều yêu cầu được bồi thường bằng tiền, không thực hiện phương án bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất.
Để thực hiện đồng bộ với Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, vào tháng 12/2022, HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng chưa xác định cơ chế chia sẻ doanh thu tăng và giảm nên cũng gây khó khăn cho tính khả thi về tài chính của dự án, giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại cho vay vốn đối với dự án.
Trong thời gian vừa qua, đại diện Nhà đầu tư đề xuất dự án (Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP) đã đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án PPP cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo 2 phương án.
Phương án 1 có tổng mức đầu tư 17.659 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng mức đầu tư của Dự án (gồm ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 1.500 tỷ đồng và số vốn tương đương 3.761 tỷ đồng dự kiến bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất); phần vốn sở hữu các nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác khoảng 9.898 tỷ đồng, chiếm 56,1% tổng mức đầu tư; thời gian hoàn vốn 22 năm 1 tháng.
Phương án 2 (Phương án kiến nghị lựa chọn) có tổng mức đầu tư 17.542 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 8.683 tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng mức đầu tư của Dự án; phần vốn sở hữu các nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác khoảng 8.859 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng mức đầu tư; thời gian hoàn vốn 19 năm 3 tháng.
“Nếu áp dụng phương án này thi chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc cần bổ sung là 3.761 tỷ đồng và số vốn ngân sách Trung ương cần bổ sung thêm là 922 tỷ đồng”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.