Đầu tư
Kiến nghị dùng vốn ngân sách để cứu Dự án BOT Quốc lộ 26
Bảo Như - 18/04/2024 10:20
Sự xuất hiện trong khoảng 2 năm tới của tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ phá vỡ hoàn toàn phương án tài chính của Dự án BOT Quốc lộ 26 vốn có thời gian hoàn vốn lên tới 33 năm.

 

Trạm thu phí Ninh Xuân nằm trên Quốc lộ 26 đoạn qua Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Số phận truân chuyên

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Công văn số 3140/UBND-XDNĐ gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kiến nghị xem xét phương án xử lý Dự án Xây dựng tuyến Quốc lộ 26 đoạn qua thị xã Ninh Hòa (Km0 - Km2+897) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 gồm các đoạn: Km3+411 - Km15+350, Km84+300 - Km88+383, Km91+383 - Km98+800, Km101+800 - Km112+800 theo hình thức BOT (Dự án BOT Quốc lộ 26).

Điểm nhấn quan trọng nhất tại Công văn số 3140/UBND-XDNĐ là việc UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về giao thông xem xét đưa Dự án BOT Quốc lộ 26 vào danh mục các dự án BOT vừa được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua các giải pháp xử lý vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT tại Tờ trình số 2451/TTr-BTVT ngày 8/3/2024.

Nếu được thông qua, Dự án BOT Quốc lộ 26 sẽ là công trình hạ tầng giao thông thứ 9 được đề nghị cấp có thẩm quyền dùng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ một phần chi phí nhằm cải thiện phương án tài chính hoặc dùng ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Sẽ gỡ vướng khi tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hình thành

Trong Công văn số 1856/BGTVT-CĐCTVN gửi Văn phòng Chính phủ vào tháng 2/2023, Bộ GTVT cho biết, Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ảnh hưởng đến phương án tài chính Dự án BOT Quốc lộ 26.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá tác động và trình Chính phủ xem xét; Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tại Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Theo đó, tại Tờ trình số 190/TTr-CP ngày 21/5/2022, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội rằng: “Việc định lượng mức độ ảnh hưởng đến Dự án BOT Quốc lộ 26 chỉ có thể xác định khi đường cao tốc đưa vào khai thác. Do vậy, trong bước triển khai tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các doanh nghiệp dự án BOT đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng, doanh thu thực tế và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ các điều kiện hợp đồng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư”.

Cũng tại Công văn số 3140/UBND-XDNĐ, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án đầu tư hoàn thành nút giao thông liên thông kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Quốc lộ 26 ngay trong giai đoạn I của Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, để tạo điều kiện cho địa phương này sớm hình thành Khu công nghiệp Ninh Xuân rộng tới 1.000 ha.

Được biết, đây đã là lần thứ 2 trong khoảng 1 năm qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra các đề nghị nói trên đối với Bộ GTVT. Điều này cho thấy tính chất cấp bách của vấn đề, đặc biệt là việc xử lý khó khăn, vướng mắc tại Dự án BOT Quốc lộ 26.

Dự án BOT Quốc lộ 26 có số phận truân chuyên bậc nhất trong số 72 dự án BOT hạ tầng giao thông do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2020. Dự án được Bộ GTVT quyết định đầu tư vào năm 2015, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2019, với tổng mức đầu tư 816 tỷ đồng. Nhà đầu tư được chọn thực hiện Dự án là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501; doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH một thành viên CICO 501 BOT Quốc lộ 26; đơn vị cung cấp vốn tín dụng là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Theo hợp đồng BOT được ký kết, nhà đầu tư được thu phí tại 2 trạm thu phí là trạm Ninh Xuân (Km8+800, Quốc lộ 26) và trạm Eadar (Km93+ 677, Quốc lộ 26) trong thời gian là 33 năm 1 tháng. Thời gian thu phí này cũng thuộc loại lâu nhất trong số các dự án BOT hạ tầng giao thông hiện nay.

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, Dự án BOT Quốc lộ 26 hoàn thành, đưa vào khai thác đã giúp nâng cao năng lực thông hành, tăng cường an toàn giao thông trên tuyến đường huyết mạch kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày triển khai thu phí (từ ngày 16/12/2019), nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, cũng như chính quyền tỉnh đã rất vất vả trong việc duy trì an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí Ninh Xuân hoàn vốn cho Dự án BOT Quốc lộ 26.

Cụ thể, do khoảng cách giữa trạm Ninh Xuân và trạm thu phí Ninh Lộc hoàn vốn cho Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1374+525 - Km1392 và đoạn Km 1405 - Km 1425+500 tỉnh Khánh Hòa quá gần (chỉ có 12 km), nên khi triển khai thu phí, đã gặp phải sự phản ứng từ các lái xe, doanh nghiệp vận tải.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ ngày 1/4/2020 đến 14/1/2021, Công an tỉnh Khánh Hòa đã phải tiến hành xử lý 38 vụ việc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại trạm thu phí Ninh Xuân. Cùng với việc xử lý nghiêm các đối tượng quá khích, nhà đầu tư cũng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện miễn, giảm phí sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí Ninh Xuân với số lượng lên tới 5.070 phương tiện.

“Nhờ việc thực hiện song song 2 giải pháp nói trên, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình an ninh trật tự tại trạm thu phí Ninh Xuân mới cơ bản ổn định”, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Gánh nặng nợ nần

Trên thực tế, việc thực hiện miễn giảm phí cho một lượng lớn phương tiện giao thông đã để lại hệ luỵ tài chính tiêu cực cho Dự án BOT Quốc lộ 26. Từ năm 2021 đến nay, doanh thu thu phí bình quân tại Dự án chỉ đạt khoảng 54% phương án tài chính, không đủ trả gốc và lãi vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, dù Dự án hoàn thành vào tháng 7/2017, nhưng trên cơ sở đề xuất của 2 tỉnh Khánh Hòa và Buôn Ma Thuột, ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về việc tiếp tục đầu tư bổ sung kéo dài quy mô công trình, Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư chưa triển khai thu phí để đầu tư bổ sung 28 km, nâng tổng chiều dài đoạn đường cải tạo lên gần 48 km. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư phải tự bỏ vốn trả lãi vay hơn 100 tỷ đồng, trong khi Dự án chưa có bất kỳ khoản thu nào.

Theo ông Lê Tự Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501, hiện ngân hàng tài trợ vốn đã xếp nợ của Dự án xuống nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), dẫn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ.

Trong bối cảnh tình hình tài chính “rách nát”, việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào cuối năm 2025, đầu năm 2026 chạy song song như “giọt nước tràn ly”. Do làm phân lưu một lượng lớn phương tiện, nên Dự án BOT Quốc lộ 26 phá sản, không còn tính khả thi tài chính. Tại thời điểm phê duyệt Dự án BOT Quốc lộ 26, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được quy hoạch triển khai đầu tư sau năm 2030.

Trước tình trạng cận kề bờ vực phá sản, thời gian qua, nhà đầu tư liên tục phát văn bản tới UBND tỉnh Khánh Hòa và Bộ GTVT đề nghị được sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khi thời điểm tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động ngày một tới gần.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 4/2022, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 đề nghị Bộ GTVT xem xét 2 phương án xử lý vướng mắc cho Dự án BOT Quốc lộ 26 khi tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động. Trong đó, phương án 1 là tiếp tục tổ chức thu phí tại các trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT Quốc lộ 26 và Nhà nước hỗ trợ kinh phí thu thiếu hàng năm theo phương án tài chính đã ký (dự kiến ngân sách hỗ trợ trong 33 năm 1 tháng là 3.500 tỷ đồng).

Phương án 2 là xóa bỏ các trạm thu phí của Dự án BOT Quốc lộ 26 và bố trí ngân sách nhà nước (khoảng 1.085 tỷ đồng) để chi trả cho nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn. “Nếu được chấp thuận, nhà đầu tư sẽ dùng toàn bộ số tiền được nhà nước hoàn trả tại Dự án này để tiếp tục đầu tư vào các dự án khác theo hình thức PPP của Bộ GTVT”, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 cho biết.

Theo một lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT), cơ quan này đã nhận được các đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa và nhà đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 26.

Trong quá trình xem xét, đánh giá các dự án BOT gặp khó khăn, vướng mắc để kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, có một số tuyến cao tốc (song hành với dự án BOT) sau khi đưa vào khai thác chưa thực hiện thủ tục để thu phí có thể ảnh hưởng đến doanh thu của dự án BOT.

Theo số liệu cập nhật, sau khi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành, sẽ gây sụt giảm doanh thu Dự án BOT Quốc lộ 26 song hành. Khi 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ gây sụt giảm doanh thu 2 dự án BOT trên Quốc lộ 1 đoạn qua Bạc Liêu và Sóc Trăng.

“Khi đầu tư các dự án BOT nói trên, cơ quan quản lý nhà nước đã dự báo phân lưu khi các cao tốc song hành đi vào hoạt động. Các cơ quan quản lý đang tiếp tục đánh giá mức độ tác động khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác để xây dựng giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, việc sớm thu phí các dự án cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước sẽ cơ bản giải quyết được khó khăn cho 3 dự án BOT, trong đó có Quốc lộ 26 do bị phân lưu”, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.

Tin liên quan
Tin khác