Vasep kiến nghị giảm lãi vay, giảm chi phí kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng và lao động trong ngành thủy sản. |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa đề xuất một loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lãi vay, chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, cắt giảm chi phí kinh doanh...có liên quan cho ngành thuỷ sản.
Trong văn bản, Vasep cho biết, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8%/năm lên mức 3-3,3%/năm và thậm chí đến 4,5%/năm và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1-4,9%/năm.
Có những doanh nghiệp nhận lãi suất cao hơn 5%/năm trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Lãi suất cao đã đành nhưng các khoản phí cũng cao, cụ thể: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…
Các doanh nghiệp thủy sản cũng cho rằng, việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này.
Do đó, Vasep đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VND xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu
Cùng đó, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II và III/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.
Vasep cũng đề nghị sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với các giải pháp liên quan khác để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm, Vasep lý giải: "Hiện nay các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức từ vấn đề lao động: khi các đơn hàng giảm mạnh, tồn kho nhiều, áp lực chi phí tài chính cao, nhiều doanh nghiệp đứng trước thách thức phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, sa thải nhân công".
Các doanh nghiệp còn đối mặt với thách thức về tăng chi phí, bao gồm: chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, logistic, điện, bao bì, nhân công ….và những bất cập trong việc cấp phép và hướng dẫn thủ tục doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá) và không phát lên lưới điện chung.
Do đó, Vasep kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, tránh việc sa thải lao động.
Đồng thời, cho phép và hướng dẫn thủ tục để doanh nghiệp thủy sản có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái không phát lên lưới (Zero export) để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá).
Liên quan chính sách thuế, Vasep kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023.
Kiến nghị giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp thủy sản đến hết 2023. Nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm tự nguyện từ 1% xuống còn 0,5%; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; cho các doanh nghiệp giãn nộp bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhu cầu yếu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc.., dẫn đến đơn hàng thủy sản giảm mạnh. Xuất khẩu thủy sản 5 tháng chỉ đạt 3,37 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính.
Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm 2 con số, cụ thể: tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.