Tại Việt Nam, công dân các nước Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha đang được miễn thị thực khi nhập cảnh trong thời hạn 1 năm theo Nghị quyết số 46/NQ-CP, thuộc nhóm 10 nước được nhiều nước miễn thị thực nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, một số nước lân cận cũng đang sử dụng chính sách miễn thị thực và đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để tăng cường thu hút khách du lịch. Indonesia vào đầu tháng 3/2016 đã miễn thị thực thêm cho 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Như vậy tổng cộng các quốc gia, vùng lãnh thổ có công dân được miễn thị thực khi tới Indonesia đã lên tới 169.
Việt Nam vẫn kém thu hút đối với khách du lịch từ châu Âu vì thủ tục nhập cảnh chưa thật sự thuận lợi |
Trước thực tế đẩy mạnh thu hút khách từ các nước lân cận và kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng khách quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy từ 1 lên 5 năm; tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu.
Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách du lịch từ 5 nước trong 9 tháng được miễn thị thực nhập cảnh đạt 554.242 lượt, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, du khách đến từ 5 nước trên chi tiêu 1.316 USD/người trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. Như vậy, số thu trực tiếp đã tăng thêm gần 55 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa từ các chuỗi cung ứng và thu nhập, chi tiêu của người dân ước tính đạt hơn 116 triệu USD sau 9 tháng thực hiện.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng một chính sách dài hơi hơn. Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Du lịch Vietrantour cho rằng, các doanh nghiệp cần ít nhất từ 3 - 6 tháng để nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm phù hợp và triển khai tiếp thị tới 5 thị trường trên. Sau đó mất thêm từ 3 - 6 tháng để du khách lựa chọn được điểm đến phù hợp. Do đó, thời hạn hiệu lực 1 năm khiến doanh nghiệp đang dè dặt.
"Thời gian áp dụng chính sách miễn visa cho đến giữa năm 2016 chưa phù hợp với thị trường khách du lịch Tây Âu nói chung, bởi các công ty du lịch tại châu Âu thường đưa ra thị trường các sản phẩm du lịch mới trước một năm và khách cũng lên kế hoạch du lịch rất sớm, từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí 2 năm đối với các đoàn lớn do công ty tổ chức", bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty du lịch Vietravel nhấn mạnh.
Nếu so với các điểm đến cạnh tranh lân cận tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam vẫn kém thu hút đối với khách Âu vì thủ tục nhập cảnh chưa thật sự thuận lợi.
Theo bà Hương, nên bỏ quy định "miễn visa được áp dụng khi chuyến đi đến Việt Nam của khách cách chuyến đi trước ít nhất 30 ngày". Lý do là bởi khách châu Âu thường kết hợp đi Việt Nam với các nước Lào, Campuchia và có nhu cầu quá cảnh Việt Nam để nối chuyến. Hơn nữa, sau chương trình tham quan 2 hay 3 nước Đông Dương, một số khách Âu chọn các bãi biển Việt Nam là nơi nghỉ dưỡng và có nhu cầu trở lại Việt Nam nghỉ dưỡng vài ngày trước khi về nước. Quy định hiện hành đòi hỏi những trường hợp này vẫn phải thực hiện thủ tục cấp visa, làm mất thời gian, chi phí và chưa thực sự tạo ấn tượng trong việc đơn giản hóa thủ tục cho chuyến đi.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Redtour cho rằng, Việt Nam có thể miễn visa ở tất cả các nước nhưng nên lựa chọn khoảng 10 doanh nghiệp đang kinh doanh tốt và có kinh nghiệm tại mỗi thị trường được phép miễn visa khi tổ chức tour. Nếu hưởng được ưu đãi này, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tổ chức xúc tiến, quảng bá Việt Nam tới thị trường trọng điểm của doanh nghiệp. Việc này không những tạo thị trường đa dạng cho ngành du lịch Việt mà còn tránh được việc doanh nghiệp này bỏ công sức, tiền bạc đi xúc tiến trong khi doanh nghiệp khác lại được hưởng lợi do giá tour không có chi phí xúc tiến."