Thời gian áp dụng chính sách miễn thị thực nên là 3 - 5 năm, thay vì chỉ áp dụng chính sách này 1 năm như quy định hiện nay. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Dù đang là thời điểm khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng những chuyển biến về tăng trưởng khách từ chính sách miễn thị thực là không nhiều.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong hai tháng gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tuy có tăng so với tháng trước, nhưng tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách vẫn giảm hơn 400.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng những thị trường vừa được miễn thị thực mà ngành du lịch kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng đột phá sau khi miễn thị thực thì vẫn chưa có những bước tăng trưởng vượt bậc nào.
Phân tích về mức tăng trưởng trong 2 tháng này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch TransViet Travel cho rằng, nửa cuối năm 2014 là mức đáy tăng trưởng du lịch do ảnh hưởng từ tình hình biển Đông và từ thị trường Nga. Do đó, nếu so sánh mức tăng trưởng 2 tháng năm nay so với cùng kỳ năm 2014 là mức đáy thì việc tăng trưởng là điều đương nhiên.
“Mức tăng nhẹ, theo tôi không phải xuất phát từ hiệu quả của chính sách miễn thị thực, bởi chính sách này mới ban hành, chưa đủ ngấm với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch châu Âu khi kế hoạch du lịch của họ đã chuẩn bị trước đó từ 3-6 tháng. Lượng khách tăng này cũng có thể là khách không đi theo đoàn mà đi tự do. Đây là số khách các doanh nghiệp cũng không quản lý và cũng không được hưởng lợi gì”, ông Đạt nói.
Trên thực tế, những người được hưởng lợi nhiều trong chính sách này là những doanh nhân, những người thuộc 5 nước châu Âu được miễn thị thực đang sinh sống và làm việc tại những nước lân cận, khi sang Việt Nam không cần phải xin thị thực. Cùng với việc có nhiều chuyến bay giá rẻ và các chuyến bay đi và đến Việt Nam khá nhiều từ những nước lân cận, thì nhóm khách hàng này sẽ đưa gia đình đến Việt Nam du lịch, đây là một nguồn khách hàng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng lượng khách du lịch đến Việt Nam thời gian qua.
Tại thị trường 5 nước châu Âu được miễn thị thực, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour kiến nghị, thời gian áp dụng chính sách miễn thị thực nên là 3 - 5 năm, thay vì chỉ áp dụng chính sách này 1 năm như quy định hiện nay (áp dụng từ 1/7/2015 đến 30/6/2016), để doanh nghiệp có thời gian xúc tiến.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội cũng cho rằng, chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu chỉ áp dụng trong vòng 1 năm là tương đối ngắn, do tính chất của việc quảng bá, xúc tiến thị trường nước ngoài, đặc biệt thị trường châu Âu khác hoàn toàn với Việt Nam. “Thông thường, các công ty lữ hành cần khoảng thời gian ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm để triển khai công tác quảng bá cũng như để du khách quen với chính sách mới. Vì vậy, nếu thời gian áp dụng chính sách miễn thị thực trong 1 năm như hiện nay thì rất khó để chính sách mới này tác động có hiệu quả đến thị trường du lịch Việt Nam”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Đồng quan điểm này, bà Ung Phương Dung, Giám đốc Indochina Services Travel Group cho biết thêm, chính sách áp dụng miễn thị thực đã ngắn, nhưng việc chỉ miễn thị thực trong vòng 15 ngày lại càng ít tác dụng thúc đẩy du lịch. Thực tế là du khách từ những thị trường xa như thế thường đi du lịch khoảng 3 tuần, thậm chí dài hơn. “Có khoảng 50% du khách của chúng tôi không được hưởng lợi từ chính sách miễn thị thực”, bà Dung nói.
Trong cuộc họp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với các doanh nghiệp du lịch tổ chức ngày 9/9, trước thềm Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM, các doanh nghiệp du lịch đều đề xuất sửa quy định, kéo dài thời gian miễn thị thực. “Quy định như hiện nay chưa đủ hấp dẫn cho du khách và cả doanh nhân có ý định sau khi tham quan tại Việt Nam sẽ sang một số nước lân cận như Lào, Campuchia, sau đó quay trở lại Việt Nam hoặc quá cảnh tại Việt Nam, nếu quá thời gian thì vẫn phải xin thị thực”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.