| ||
VVF đã lựa chọn cái đòi nợ bằng hình thức kiện phá sản để mong thu hồi nợ từ Hafic |
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chuyện một hay nhiều khách hàng chậm hoặc cố tình không trả tiền hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp là điều thường xảy ra.
Doanh nghiệp sẽ lựa chọn một trong các hình thức thu hồi nợ khó đòi phổ biến như: xóa nợ; giảm một phần nợ với điều kiện con nợ phải trả ngay số nợ còn lại; bán nợ; nhờ dịch vụ thu hồi nợ; thuê luật sư khởi kiện con nợ; yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp con nợ…
Ông Trần Anh Tú, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tồn tại song hành cùng với thủ tục đòi nợ dân sự, thủ tục phá sản cũng có bản chất là một công cụ đòi nợ chỉ khác ở tính chất “tập thể” của nó.
Do đó, chức năng đầu tiên gắn với sự ra đời của pháp luật phá sản chính là chức năng thu hồi nợ cho các chủ nợ. Thông qua thủ tục phá sản, các chủ nợ đều có mục đích chung là nhằm có được sự bảo đảm về quyền chủ nợ của mình một cách tốt nhất.
Trở lại với vụ việc này, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư điện tử về việc tại sao không lựa chọn hình thức đòi nợ mà lại khởi kiện theo hình thức yêu cầu tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với Hafic? VVF giải thích rằng, khoản nợ của Hafic tại VVF là khoản nợ không có bảo đảm, VVF là chủ nợ không có bảo đảm của Hafic. Do vậy VVF chỉ có thể khởi kiện theo hình thức trên mới có hy vọng thu hồi được một phần nợ”, đại diện VVF cho biết.
Theo VVF, việc khởi kiện một số tổ chức tín dụng trong đó có Hafic là việc làm “cực chẳng đã” sau khi VVF đã tiến hành tất cả các biện pháp thiện chí nhất có thể nhằm thu hồi nợ quá hạn bao gồm đàm phán tìm giải pháp, đôn đúc thu hồi nợ, yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm, gia hạn thời gian trả nợ nhiều lần, giảm lãi suất, gửi công văn đến các tổ chức tín dụng khác đề nghị phối hợp hỗ trợ .
Hafic đã phát sinh nợ quá hạn tại VVF từ tháng 7/2012. Tính đến 25/6/2013 dư nợ gốc của Hafic tại VVF là 79 tỷ đồng, nợ lãi là 12,5 tỷ đồng. Ngoài việc gặp mặt trực tiếp lãnh đạo của Hafic nhiều lần để thảo luận tìm giải pháp, VVF đã gửi cho Hafic tổng cộng 23 văn bản để đôn đốc và yêu cầu HAFIC thanh toán nợ cho VVF. Hafic có 09 văn bản phúc đáp và lần nào cũng giải trình khó khăn, không thực hiện đúng cam kết.
“Chúng tôi biết được HAFIC vẫn có dòng tiền thanh toán cho các tổ chức khác nhưng lại không thanh toán cho VVF. Do vậy VVF buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là khởi kiện tại cơ quan tài phán để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VVF và của cổ đông”, đại diện VVF cho biết thêm.
Ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư Nam Hà Nội khẳng định, việc khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản với Hafic là đều tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn các hình thức đòi nợ phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Huyền Cường, Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, một vấn đề vẫn còn lấn cấn nhất là ngay tại điều 3, Luật Phá sản quy định: “Doanh nghiệp không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản". Đây là điều khoản quan trọng để nhận diện doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Song không phải cứ có nợ quá hạn là doanh nghiệp phá sản bởi thực tế, doanh nghiệp nào cũng vừa là con nợ, vừa là chủ nợ, thậm chí doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản có thể là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ quá hạn mà họ phải trả.
Trở lại với trường hợp của Hafic, là một tổ chức tín dụng Hafic cũng là con nợ đến hạn của nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác nhưng cũng là chủ nợ của nhiều con nợ khác. Mối quan hệ giao dịch tín dụng đan xen không dễ xác định.Điều gì sẽ xảy ra nếu Hafic cũng yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đang là con nợ của họ?
Như vậy, có thể nói rằng việc lựa chọn hình thức tài phán yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản để đòi nợ đối tác là hoạt động bình thường của các tổ chức, doanh nghiệp. Đây chưa phải là “dấu chấm hết” cho doanh nghiệp bị đòi nợ bởi theo quy định của Luật Phá sản, sau khi nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án sẽ xem xét, xác minh, nếu thực sự doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, tòa sẽ tuyên bố mở thủ tục phá sản, nếu không, tòa trả lại đơn.
* Theo con số thống kê của VCCI, từ khi thực hiện Luật Phá sản từ năm 2004 đến nay, cả nước mới chỉ có 68 doanh nghiệp phá sản. Còn theo thống kê của Tòa án kinh tế, Tòa án TP.Hà Nội, trong khoảng hơn 20 vụ kiện phá sản mỗi năm thì chiếm tỷ lệ lớn là việc yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nhưng có rất ít vụ việc được tuyên phá sản. Chủ yếu là các bên thỏa thuận được việc trả nợ. * Xuất phát từ tâm lý kiêng cữ, dị ứng với chữ “phá sản” nên khi bị yêu cầu đòi phá sản nhiều doanh nghiệp trây ỳ nợ đã buộc phải trả tiền. Và có lẽ chính vì biện pháp được coi là “khá hiệu quả” trong thời gian qua nên không ít doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức đòi nợ này thay vì các hình thức khác. |
Hữu Tuấn