Phát triển nguồn nhân lực
Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và cũng là Thành phố đầu tiên ban hành nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Thành phố đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính bởi điểm sáng nổi bật đó mà Thành phố đã và đang nỗ lực chuyển hóa sức mạnh “mềm” văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Hà Nội tập trung nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. |
Không thể phủ nhận không gian phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô rất rộng lớn, với những tiềm năng về các sản phẩm công nghiệp văn hoá, Hà Nội không chỉ dừng lại ở sáng tạo tác phẩm. Tận dụng từ sáng tạo để hình thành nên một quy trình kinh doanh với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, từ đó tạo nên nguồn thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.
Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết nhất chính là văn hoá, nếu làm văn hoá tốt sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Trong đó, sự kiến tạo cá nhân là dấu ấn quan trọng trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô.
Mỗi cá nhân không chỉ là chủ thể sáng tạo văn hoá mà cũng chính là khán giả để có thể cảm thụ và tiêu dùng các giá trị, các sản phẩm văn hóa do chính mình sáng tạo ra.
Ngành công nghiệp văn hoá ở Hà Nội cũng không ngoại lệ, bên cạnh sức sáng tạo của cộng đồng, doanh nghiệp thì sức sáng tạo của cá nhân cũng nổi bật và vượt trội không kém.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2022, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 11 nghệ nhân, Nghệ nhân Ưu tú cho 55 nghệ nhân của TP.Hà Nội. Cho đến nay, qua ba lần phong tặng TP.Hà Nội đã có 131 nghệ nhân với 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy ngành công nghiệp văn hoá ở Hà Nội có được chỗ dựa vững chắc với dấu ấn của các cá nhân sáng tạo, cụ thể là các nghệ nhân. Vừa là chủ thể sáng tạo của di sản, vừa là người “giữ lửa” cho làng nghề.
Trải qua hàng chục năm, các nghệ nhân ngoài vai trò là người gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản; là kho tư liệu đồ sộ, “cơ sở dữ liệu” văn hóa vật thể và phi vật thể thì họ còn có khả năng thực hành nghệ thuật diễn xướng và cả nghề truyền thống. Họ chính là nguồn nhân lực quan trọng trong công cuộc kiến tạo thêm nhiều dấu ấn cho nền văn hoá và quá trình phát triển công nghiệp văn hoá ở Thủ đô.
Công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng và văn hoá nói chung không chỉ được đầu tư dưới góc độ phần “cứng” mà đầu tư mạnh về phần “mềm” là các cá nhân. Bởi để phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Việt thì tốt hơn hết chính là thông qua con người Việt Nam. Do đó việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở các lớp thế hệ tiếp theo là vô cùng cần thiết.
Nhận thức được vấn đề này, Hà Nội bước đầu đã có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa - nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa. Qua 2 năm Hà Nội được công nhận là “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Cùng với vinh dự đó Hà Nội cần đẩy mạnh các hoạt động văn hoá nhằm giới thiệu, quảng bá đồng thời khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, nhất là với giới trẻ.
Ngày càng nhiều người trẻ để lại dấu ấn kiến tạo trong văn hoá. |
Ngày nay, một phần thế hệ trẻ vẫn sẵn sàng dành trọn thời gian để theo học nghệ thuật truyền thống, ngành nghề truyền thống. Nhờ sức trẻ, dám nghĩ dám làm, những làng nghề truyền thống từng bị mai một như đang được hồi sinh trở lại.
Có thể thấy, ngành công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Biến văn hoá thành sản phẩm để có thể bán được cho nhiều người, bán được nhiều lần là một trong những cách phát triển kinh tế trong công nghiệp văn hoá đã và đang thực hiện.
Đây cũng được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Thành phố.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phấn đấu có mức đóng góp 5% GRDP của Thành phố, đến năm 2030 đóng góp khoảng 8% và năm 2045 là khoảng 10% GRDP.