Những con số có thể là “khô cứng” với nhiều người, nhưng nếu hỏi cảm nhận của những người có năm sinh từ trước khoảng năm 75 của thế kỷ trước thì sự thay đổi này là “khó có thể tưởng tượng được”. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả viễn kiến cho cuộc sống, đất nước Việt Nam đang có những con người năng động hơn, tràn đầy sức sống và dám đặt những mơ ước cá nhân lên tầm cấp toàn cầu làm mục tiêu hành động.
30 năm tăng trưởng liên tục ở mức cao so với các nước trong khu vực mang đến cho mỗi người dân Việt một vị thế khác hơn. Nhưng điều đó là đủ?
Cách đây vừa tròn 91 năm, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945, Bác Hồ viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Sứ mệnh của mỗi người Việt Nam trong một thời đại mới là đưa Việt Nam “sánh ngang với các cường quốc năm châu”. Để làm điều đó thì chặng đường dài đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và những năm đổi mới vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu. Việt Nam cần tiếp tục quá trình tăng trưởng nhanh, bền vững trong nhiều năm tới.
Phát biểu ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển, dù còn không ít khó khăn thách thức. Dẫn câu nói của Nguyễn Trãi “Nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”, Thủ tướng cho rằng tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực.
“Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TTXVN |
Để làm được điều đó, thông điệp Chính phủ kiến tạo, phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần, và được cụ thể hóa trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Làm tốt được điều này đòi hỏi nhiều công sức, đặc biệt là từ bộ máy chính quyền các cấp phải thấm nhuần tư tưởng “phục vụ” để biến thành hành động. Khi đội ngũ công chức hành động đúng, mỗi người dân và doanh nghiệp sẽ có một môi trường, một không gian phát triển mới. Dân giàu thì nước mạnh.
Chính phủ đã tuyên bố và đang hành động, điều này trước mắt tạo ra được một niềm tin mới về một Chính phủ kiến tạo, bảo đảm sử dụng và khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước gồm vốn, đất đai, tài nguyên và trí lực của mỗi người dân.
Con đường đi tới đích có thể còn dài, nhưng quan trọng đó là con đường đúng và điều cần cần tiếp tục là sự kiên nhẫn.