Y tế - Sức khỏe
Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo ngành Dược
D.Ngân - 25/09/2024 20:17
Ngành Dược đã có những tăng trưởng tích cực, với việc chi tiêu thuốc trên đầu người trước đây chỉ 0,5 USD và hiện đã đạt 75 USD. Tuy nhiên, ngành này còn tồn tại một số hạn chế.

Khó khăn nhiều phía

Trong phiên thảo luận “Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo ngành dược” tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/9, ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ, qua 30 năm, ngành Dược đã có những tăng trưởng tích cực, với việc chi tiêu thuốc trên đầu người trước đây chỉ 0,5 USD và hiện đã đạt 75 USD. Tuy nhiên, ngành này đang còn tồn tại một số hạn chế.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Đầu tiên, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Dược còn hạn chế. Trong thời đại công nghiệp 4.0, quá trình số hoá ngành Dược rất chậm.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu phát triển còn khá khiêm tốn. Hiện tại, ngành Dược đang phát triển thuốc sinh học, trong khi Việt Nam chủ yếu là các nhà máy thuốc hoá dược. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, doanh nghiệp không thể lập tức phát triển hoặc tiếp thu sản xuất thuốc sinh học.

Ngoài ra, các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) quá phân tán, không có cơ sở tầm cỡ quốc gia làm công tác R&D, mỗi doanh nghiệp có phòng R&D chỉ vài người làm nghiên cứu. Chưa kể là vấn đề về thể chế, sau khi doanh nghiệp có kết quả R&D thì cơ chế chuyển giao kết quả phát triển như thế nào.

Chưa kể, năng lực tài chính của các doanh nghiệp dược trong nước hạn chế. Tỷ lệ đầu tư R&D thấp, với tỷ lệ này thì không thể phát triển được. Khi đầu tư vào R&D với số tiền lớn thì các chi phí được tính toán như thế nào, làm ra được bao nhiêu sản phẩm để đưa ra thị trường… Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Đặc biệt, sự thay đổi cấu trúc thị trường ảnh hưởng tới danh mục sản phẩm thuốc trên thị trường. Hiện chỉ còn 40% thuốc generic của các doanh nghiệp địa phương đang sản xuất, vậy việc chuyển đổi như thế nào?

Với những bất cập đang tồn tại trong ngành Dược, các doanh nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào sự thay đổi của việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược hiện nay.

Về điều này, theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung lần này có 5 nhóm chính sách lớn để tăng cường hơn nữa việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân.

Ông Tạ Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, ngành Dược rất đặc thù, liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng người dân nên cần thận trọng. Với các ngành khác có thể cắt giảm thủ tục hành chính và thực hiện hậu kiểm…, nhưng thuốc thì không như vậy.

Việc cấp phép thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy trình. Việt Nam và các quốc gia đều làm như vậy, không thể cứ cấp phép sau đó thu hồi vì như vậy rất nguy hiểm.

Về nỗ lực của Bộ Y tế trong đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cơ quan này đang trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vắc-xin và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương,...của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, khi thực hiện mục tiêu này Việt Nam sẽ chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.

Về thuốc, trước tiên phải có nguyên liệu làm thuốc, mà với hóa dược, Việt Nam đang nhập khẩu 80%, nhưng có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu.

Nguồn nhân lực, con người trong ngành sản xuất thuốc cũng rất sẵn sàng. Theo các quy định sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất những ưu tiên cho việc sản xuất thuốc tại Việt Nam, bao gồm việc ưu tiên cấp giấy phát hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc được ban hành…

"Chúng ta phải thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực: về cơ sở sản xuất và dây chuyền, ứng dụng công nghệ trong thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt, đổi mới sáng tạo trong vấn đề sử dụng thuốc và các sinh phẩm có hiệu quả…” ,Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Đánh giá cao những định hướng sửa đổi trong Luật Dược, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư thành viên Vilaf cho biết, Luật Dược sửa đổi có tác động tích cực theo 2 hướng.

Đầu tiên, việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, cấp giấy phép lưu hành... làm doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đăng ký sản phẩm dược, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, điều này giúp giá thuốc có thể tốt hơn, người dân có thể tiếp cận thuốc chất lượng cao.

Thứ nữa, việc doanh nghiệp nước ngoài có thể sản xuất, chuyển giao sản phẩm cho doanh nghiệp việt, mang ý nghĩa khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài làm việc nhiều hơn với doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước học hỏi và sản xuất sản phẩm mới.

"Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ chú trọng tới ưu đãi đầu tư. Khi quyết định đầu tư, họ quan tâm tới việc phối hợp, tháo gỡ vướng mắc giữa các đơn vị, giữa trung ương và địa phương, bởi dự án có thể kéo dài hàng năm mới triển khai được”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành Dược

Một trong những trọng tâm trong việc sửa đổi thể chế ngành Dược là việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma group, Eurocham - đơn vị đại diện cho 21 công ty thành viên đến từ các quốc gia châu Âu tại Việt Nam cho biết, vấn đề quan trọng là yếu tố chính sách, không chỉ Bộ Y tế mà các cơ quan khác liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy hoạt động đầu tư.

GS.Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức.

Nguồn lực quốc tế có thể giúp giảm gánh nặng về tiếp cận thuốc, tăng cường uy tín cho Việt Nam trong khu vực trong lĩnh vực y tế, thậm chí có thể giúp Việt Nam trở thành lựa chọn của người bệnh tại khu vực Đông Nam Á.

Có nhiều quốc gia cũng đang sửa đổi các chính sách về dược để tăng cường đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư nước ngoài ngành Dược.

Ví dụ gần đây, Nhật Bản có chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp sự sẵn có của thuốc nhanh hơn phục vụ người bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Nhật Bản đầu tư 7 tỷ USD mỗi năm cho phát triển ngành Dược.

Chủ tịch Pharma group nhận thấy có 3 yếu tố chính mà Việt Nam có thể học hỏi. Thứ nhất là chiến lược rõ ràng, tập trung cụ thể vào đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm - dịch vụ giá trị cao.

Thứ hai, đơn giản hoá thủ tục thông qua các chính sách và thu hút đầu tư. Thứ ba là thể chế cụ thể, có ban chỉ đạo cấp quốc gia, trước khối lượng công việc lớn thì các bộ ngành cần phối hợp với nhau.

Về các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại ngành dược, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư nước ngoài lĩnh vực y tế tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 160 dự án, giá trị ký kết khoảng 1,8 tỷ USD và có mặt tại 13 tỉnh thành.

“Chúng tôi rất trân trọng sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn ngành dược tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, đầu tư vào ngành dược còn rất khiêm tốn khi Việt Nam thu hút được hơn 40.000 dự án đầu tư nước ngoài”, ông Chung cho biết.

Một số đặc điểm khác của hoạt động đầu tư nước ngoài ngành Dược tại Việt Nam bao gồm đa phần các doanh nghiệp tập trung tại Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong khi các trung tâm y tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu thì gần như không có.

Các dự án đầu tư vào 13 địa bàn, nhưng chủ yếu tập trung vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Điều này cũng thể hiện điều kiện kinh tế xã hội tốt tác động tới đầu tư nước ngoài ngành Y tế.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những ưu đãi dành cho đầu tư vào ngành Y Dược đều ở mức cao nhất. Bộ vẫn tiếp tục ghi nhận để có các ưu đãi chi tiết hơn, nhất là với các ngành đặc biệt khuyến khích.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, khi hình thành các trung tâm phát triển y dược, hiện tại theo quy hoạch là tại Bắc Ninh, Long An, Thái Bình… các địa phương cũng đang rất quyết liệt, trao đổi với chúng tôi để rà soát các luật…, thì sẽ nhận được các dự án đầu tư lớn.

Để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành dược, Bộ Y tế cũng đang rà soát, sửa đổi Luật Dược.

Nói về đầu tư vào ngành Dược hiện nay theo GS.Nguyễn Anh Trí, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện đầu tư vào ngành Dược còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Vậy nên để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như thúc đẩy ngành Dược phát triển theo GS.Nguyễn Anh Trí chúng ta phải khắc phục các khó khăn, đi tắt đón đầu, tận dụng những thành quả sẵn có của thế giới, từ đó phát huy sức mạnh nội tại của doanh nghiệp Việt.

Tin liên quan
Tin khác