Ông Võ Trường Sơn, tân Tổng Giám đốc của HAGL |
Đại hội cổ đông của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mỗi năm đều gây chú ý với cổ đông, vì lần nào Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng công bố những chiến lược kinh doanh mới. Năm 2015 cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, sự tập trung của cổ đông lần này lại không liên quan đến chiến lược kinh doanh mà là vấn đề nhân sự, khi Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Sự, người đã gắn bó với HAGL và bầu Đức hơn 23 năm qua, được thay thế bởi ông Võ Trường Sơn.
Trong Đại hội cổ đông năm ngoái của HAGL, ông Sự từng tuyên bố gây sốc rằng nếu lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn không tăng hơn 50% so với năm 2013 thì sẽ xin từ chức. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, ông cho biết việc xin thôi điều hành là vì lý do sức khỏe. “Mấy tháng trước, tôi bị một cơn đột qụy bất ngờ và nếu không có máy bay của bầu Đức chở lên TP.HCM điều trị kịp thời thì chắc đã xong rồi”, ông Sự kể lại.
Trong khi đó, doanh thu của HAGL năm 2014 dù không như kế hoạch đề ra nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng hơn 50%, đúng như ông Sự từng cam kết. Cụ thể, doanh thu của HAGL đạt 3.056 tỉ đồng, chỉ tăng 8,9%, nhưng lợi nhuận sau thuế của HAGL đạt 1.556 tỉ đồng, tăng 62% so với năm 2013.
“Tôi cũng đã muốn rút lui mấy lần để nghỉ ngơi, nhưng Ba Đức không có chịu. Sự cố lần này xui nhưng nhờ vậy cũng rút được”, ông Sự chia sẻ.
Việc nhà quản lý gạo cội này rút lui được xem như một dấu mốc ghi nhận bước chuyển giao lớn trong việc điều hành cho thế hệ trẻ ở HAGL. Trước đó, ông Lê Văn Rõ, ông Lê Hùng và ông Trà Văn Hàn đều đã lần lượt rút lui khỏi những vị trí chủ chốt ở HAGL. Và thay vào đó là những gương mặt mới.
Bên cạnh tân Tổng Giám đốc Võ Trường Sơn, hai vị Phó Tổng Giám đốc khác cũng vừa được bổ nhiệm để điều hành HAGL là bà Hồ Thị Kim Chi (sinh năm 1976) và ông Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1977). Ông Thắng trước đó phụ trách mảng đầu tư của HAGL và đang là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Đây được xem là công ty chủ lực của Tập đoàn ở giai đoạn đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp.
“Trong năm qua, HAGL đã thay đổi nhân sự rất nhiều và tiếp tục còn thay đổi trong thời gian tới theo xu hướng trẻ hóa. Sắp tới, HAGL sẽ đào tạo và bổ nhiệm thêm nhiều lãnh đạo trẻ nữa”, bầu Đức khẳng định khi nói về chuyện chuyển giao quyền lực ở HAGL.
Dấu ấn của Võ Trường Sơn
Ông Võ Trường Sơn sinh năm 1973, có học vị Thạc sĩ Tài chính. Tính đến cuối năm 2014, ông nắm giữ 603.654 cổ phiếu HAGL, tương đương 0,08% giá trị Tập đoàn. Sinh trưởng ở Tiền Giang, ông Sơn là một trong số ít những lãnh đạo của HAGL không xuất thân từ Bình Định hay Gia Lai.
Trước Đại hội cổ đông năm 2015 của HAGL khoảng 1 tháng, tại buổi ký kết hợp tác phát triển đàn bò sữa cho tỉnh Hà Nam, ông Sơn khi đó đã được giới thiệu là quyền Tổng Giám đốc của tập đoàn này. Thông tin đó ngay lập tức khiến nhà đầu tư và cổ đông đặt câu hỏi: phải chăng ông Sự từ chức vì không thực hiện được lời hứa năm ngoái?
“Anh Sơn giỏi. Sức cày thì tôi cũng chẳng thua kém gì, nhưng mình ngồi đó hoài thì thế hệ trẻ cũng khó lên. Việc nhường lại quyền điều hành cho những người trẻ được đào tạo tốt, bài bản hơn là rất hợp lý”, ông Sự nhận xét về vị Tổng Giám đốc mới của HAGL.
Khác với thế hệ lãnh đạo trước, vốn những người có phong cách khá “bụi”, ông Võ Trường Sơn lúc nào cũng lịch lãm và tươm tất. Văn phong nói chuyện cũng không “bình dân” như những người tiền nhiệm. Có lẽ vì vậy mà khi được hỏi về vai trò của bản thân trong việc xây dựng chiến lược tạo dựng HAGL trở thành một tập đoàn đa quốc gia, ông Sơn tỏ ra rất khiêm tốn khi cho rằng mình cũng chỉ là “một cầu thủ trên sân cỏ” và để đạt được những kết quả tốt, cần có sự tham gia và góp sức của nhiều người.
“Ở HAGL, chúng tôi chú trọng xây dựng một tập thể vững mạnh, một tinh thần đoàn kết cao chứ không đặt nặng vai trò cá nhân cho bất cứ một ai trong đội ngũ lãnh đạo. Ngay đến anh Đức cũng vừa làm chủ, vừa làm thuê”, ông Sơn nói.
Nhìn vào lý lịch, sự nghiệp của ông Sơn đều liên quan đến lĩnh vực tài chính. Ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM năm 1996 và bắt đầu làm việc tại Công ty Kiểm toán và Tư vấn A&C. Năm 2003, ông chuyển sang công tác tại Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, đạt chức vụ cao nhất trước khi chuyển sang làm việc tại HAGL là Quản lý cấp cao.
Về đầu quân cho bầu Đức từ năm 2008, ông Sơn mặc dù chỉ là “kép phụ” ít khi xuất hiện, nhưng lại được xem là cánh tay đắc lực trợ giúp HAGL trong nghiệp vụ phát hành trái phiếu quốc tế, chứng chỉ lưu ký toàn cầu và các công cụ huy động vốn trên thị trường Việt Nam. Dấu ấn trong lĩnh vực tài chính của ông Sơn càng thể hiện rõ kể từ khi HAGL quyết định thực hiện tái cấu trúc vào năm 2013.
Thời điểm đó, HAGL đã tách Công ty Cổ phần Xây lắp An Phú ra thành công ty độc lập và chuyển một số dự án bất động sản từ Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (Hoang Anh Land) sang cho An Phú. Từ lúc này, An Phú hoạt động tương tự một công ty mua bán tài sản để xử lý các khoản nợ cho HAGL trong khoảng thời gian 3 năm và sẽ giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng lúc, để thực hiện chiến lược tái cấu trúc, ông Sơn đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Hoang Anh Land. Ở vai trò mới, ông đã quyết định thanh lý các dự án bất động sản như dự án tại Hiệp Bình Phước, khách sạn tại Đà Nẵng và resort tại Đà Lạt để mang dòng tiền về cho HAGL.
Mặc dù việc tái cấu trúc, theo ông Sơn, đơn giản là để giúp HAGL giảm nợ cũng như có báo cáo tài chính “sạch” hơn, nhưng theo giới tài chính thì quá trình “spin off”, một thuật ngữ dùng để chỉ cách thức tái cấu trúc của HAGL, là một trường hợp điển hình mà chỉ có những cao thủ trong trong ngành mới thực hiện được.
Hiểu một cách đơn giản, “spin off” là quá trình tái cấu trúc bằng cách tách mảng kinh doanh nào đó của doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hoặc không phải là hoạt động kinh doanh lõi ra để chuyển vào một công ty hoàn toàn mới. Bằng cách này, sự yếu kém trong mảng hoạt động trước đây sẽ không làm ảnh hưởng đến công ty mẹ, đồng thời có thể kỳ vọng doanh nghiệp mới sẽ làm ăn tốt hơn nhờ được “tự do”, hoặc được bơm vốn mới bởi cổ đông khác.
Không chỉ có bất động sản, việc rút lui khỏi những lĩnh vực không mang lại hiệu quả cũng được HAGL thực hiện rất nhanh trong thời gian này. Thông qua Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, ban lãnh đạo HAGL mà cụ thể là ông Võ Trường Sơn đã đàm phán và bán 4 dự án thủy điện tại Việt Nam chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, kể từ khi họp quyết định đến khi hoàn tất thương vụ.
Cuối tháng 9.2014, Hoang Anh Land nơi ông Sơn làm Tổng Giám đốc cũng đã thực hiện giai đoạn 1 của kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, khi phát hành 29 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 2.000 tỉ đồng lên 2.290 tỉ đồng. Sau khi Hoang Anh Land chào bán riêng lẻ cổ phần cho quỹ HVCapital, tỉ lệ sở hữu của HAGL tại doanh nghiệp này giảm từ 98,2% xuống còn 85,7%. Và Tập đoàn cũng ghi nhận 750 tỉ đồng doanh thu tài chính trong quý III/2014 từ động thái này. “Các nghiệp vụ như vậy phù hợp với kỹ năng chuyên môn, do đó tôi đã thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao. Tôi còn có lợi thế là ít có doanh nghiệp Việt Nam nào có được đội ngũ tài chính mạnh như HAGL”, ông Sơn nhận định.
Mặc dù ông Sơn không thừa nhận vai trò cá nhân của mình, nhưng theo bầu Đức, việc HAGL có được như ngày hôm nay chính là nhờ tập đoàn này đã thực hiện tái cấu trúc một cách mạnh mẽ trong những năm qua. Và chắc rằng, quá trình thành công ấy sẽ không thể thiếu công sức đóng góp của kiến trúc sư tài chính Võ Trường Sơn.
Bài toán mới cho tân Tổng Giám đốc
Tái cấu trúc HAGL là một trong những nhiệm vụ mà ông Võ Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng khi nhìn vào chiến lược mà HAGL đang thực hiện, huy động vốn vẫn tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng mà ông Sơn sẽ phải tự tay thực hiện, dù lúc này đã là Tổng Giám đốc của Tập đoàn.
Năm 2015, HAGL đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần sẽ ở mức 5.347 tỉ đồng, tăng 75% so với kết quả đạt được năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, sản phẩm bò thịt sẽ chiếm 46%, tương ứng 2.475 tỉ đồng.
Để thực hiện kế hoạch này, dự kiến đến cuối năm nay, HAGL sẽ đầu tư phát triển 100.000 con bò thịt và xuất bán 60.000 con bò thịt. Tập đoàn cũng sẽ đầu tư thêm 13.000 con bò sữa để thực hiện chiến lược cung cấp sữa tươi sau khi ký kết hợp tác với Nutifood từ năm ngoái.
Mảng chăn nuôi bò của HAGL có quy mô 6.300 tỉ đồng và sẽ được cung cấp 70% vốn bởi Eximbank, riêng giai đoạn 1 (2014 - 2015) là 2.150 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng cung cấp vốn chủ lực cho dự án của HAGL tại Myanmar. Tuy nhiên, do Eximbank gần đây kinh doanh không hiệu quả và được cho là sẽ sáp nhập vào một ngân hàng khác, nên thay vì đi vay, ban lãnh đạo HAGL đã tính chuyện bán tiếp tài sản để theo đuổi cuộc chơi đàn bò.
Theo đó, hồi đầu tháng 2.2015, HAGL đã thỏa thuận nguyên tắc với công ty bất động sản Rowsley của Singapore để Rowsley mua lại 50% cổ phần Hoang Anh Land với giá 275 triệu USD. Giá trị thương vụ dự kiến bao gồm 20% cổ phần hiện hữu và 30% cổ phần phát hành mới của Hoang Anh Land.
Tuy nhiên, thương vụ này đã không thành. Nguyên nhân, theo lý giải của ông Sơn, là do Rowsley muốn trực tiếp đầu tư vào Hoang Anh Myanmar thay vì mua 50% cổ phần của Hoang Anh Land. “Cách thức như vậy gây bất lợi cho HAGL vì thuế suất trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn tại Myanmar lên tới 40%, trong khi ở Việt Nam chỉ ở mức 22%”, ông nói.
Không thương thảo được với Rowsley, nhưng ông Sơn cho biết hiện vẫn đang có nhiều đối tác để Tập đoàn xem xét hợp tác; và giá chuyển nhượng của 50% cổ phần của Hoang Anh Land chắc chắn sẽ từ 275 triệu USD trở lên.
“Hiện HAGL đang xem xét việc hợp tác với một đối tác Hồng Kông trong thương vụ bán cổ phần Hoang Anh Land. Chúng tôi phải tìm những đối tác đủ bản lĩnh. Không thiếu những tổ chức như vậy. Tài sản tốt như cô gái đẹp nên không lo ế được”, tân Tổng Giám đốc của HAGL tự tin khẳng định.
Vậy nếu HAGL vẫn không bán được 50% cổ phần của Hoang Anh Land thì sao? Đây là rõ ràng vẫn là một nguy cơ rất lớn bởi chiến lược phát triển đàn bò sắp tới của HAGL cần rất nhiều vốn. Theo ông Sơn, nếu chưa bán được cổ phần Hoang Anh Land, tiến độ triển khai mở rộng đàn bò có thể chậm trễ hơn nhưng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Ngoài ra, Tập đoàn cũng còn một cách khác để huy động vốn cho việc nuôi bò là đưa dự án bất động sản ở Myanmar vào khai thác để mang lại dòng tiền.
Hình ảnh tại trại chăn nuôi bò của HAGL |
Theo kế hoạch, doanh thu của HAGL từ bất động sản tại thủ đô Yangon (Myanmar) trong năm nay ước đạt 769 tỉ đồng, chiếm 14% trong tổng cơ cấu doanh thu của Tập đoàn. Nguồn doanh thu này dự kiến sẽ đến từ hoạt động khách sạn, văn phòng và khu thương mại. Đó là chưa kể tới nguồn thu từ việc bán căn hộ.
“Luật pháp Myanmar cho phép bán căn hộ khi xây xong móng, tương tự như Việt Nam. Vì vậy, anh Đức đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây nhà mẫu trong năm 2015, khởi công giai đoạn 2 để nhanh chóng bán chung cư ở Myanmar”, ông Sơn chia sẻ.
Giá căn hộ tại Yangon hiện ở mức trung bình 3.000-4.000 USD/m2 và thị trường lại thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Do đó, ông Sơn cho biết HAGL chỉ cần bán được 30% số căn hộ (tương đương 300 căn) thì có thể thu về dòng tiền tương đương với bán 50% cổ phần Hoang Anh Land cho đối tác Singapore nêu trên.
Bên cạnh việc bán tài sản, ông Sơn còn cho hay HAGL dự kiến sẽ đưa cổ phiếu của HAGL Agrico niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Việc niêm yết dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7.2015.
Thu hoạch bắp tại nông trại của HAGL Agrico |
HAGL Agrico từ lâu đã đảm nhận vai trò là đầu mối đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của HAGL. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực mía đường, bắp và cọ dầu cũng do doanh nghiệp này quản lý. Đồng thời, HAGL sẽ chuyển sở hữu cổ phần tại Công ty Cổ phần Bò sữa Tây Nguyên sang cho HAGL Agrico.
Động thái niêm yết này, theo ông Sơn, là do ban lãnh đạo Tập đoàn muốn tạo thanh khoản cho HAGL Agrico, qua đó nâng giá trị Công ty. Trong lâu dài, HAGL có thể tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu HAGL Agrico.
Với việc tái cấu trúc Hoang Anh Land và HAGL Agrico, dường như bầu Đức đang muốn đưa HAGL thành một công ty sở hữu tài sản mới của Việt Nam. Việt Nam đã có khá nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển qua mô hình sở hữu tài sản và đặc điểm chung là tất cả đều có những kiến trúc sư tài chính làm thủ lĩnh. Masan có Madhur Maini, Pan Pacific có Michael Rosen, CII có Nguyễn Quốc Bình. Với HAGL, người đó nhiều khả năng sẽ là Võ Trường Sơn.