Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM. |
Từ đầu năm đến nay, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng tăng mạnh. Theo dự báo, xu hướng tăng này có tiếp tục trong những tháng cuối năm không, thưa ông?
Trong 3 quý đầu năm nay, doanh số chi trả kiều hối của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng mạnh. Đến hết tháng 9/2021, lượng kiều hối tại TP.HCM đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn chung, lượng kiều hối về Việt Nam thông qua các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM vẫn tăng trưởng tích cực, kể cả trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Đặc biệt, doanh số chi trả kiều hối của các ngân hàng và công ty chi trả kiều hối gửi về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM trong 2 tháng cuối quý III/2021 cao hơn dự kiến.
Dự báo trong cả năm 2021, lượng kiều hối về TP.HCM sẽ vượt con số 6,5 tỷ USD như dự kiến đưa ra ban đầu, tăng hơn 6,5% so với năm 2020. Tính đến cuối tháng 9, lượng kiều hối đổ về TP.HCM đã đạt trên 70% con số dự báo cả năm.
Thông thường, vào các tháng cuối năm, lượng kiều hối gửi về sẽ tăng mạnh hơn nửa đầu năm, do người lao động có khoản tích lũy cả năm để gửi về quê nhà vào dịp Tết. Năm nay, nhiều địa phương trên cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư cũng sẽ khiến kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về hỗ trợ gia đình, người thân nhiều hơn.
Lượng kiều hối tăng tác động tích cực lên thị trường ngoại tệ, song gần đây, giá vàng trong nước quá cao so với giá vàng thế giới (chênh lệch lên đến gần 10 triệu đồng/lượng), kéo tỷ giá trên thị trường tự do tăng. Điều này liệu có ảnh hưởng đến tỷ giá chính thức?
Trong bối cảnh các nền kinh tế chịu rất nhiều tác động của đại dịch Covid-19, nguồn kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam nói chung và địa bàn TP.HCM nói riêng, đã tác động tích cực đến thị trường ngoại hối. Vì vậy, việc giá vàng trong nước chênh lệch so với giá vàng thế giới hiện nay cũng không tác động đến tỷ giá.
Tỷ giá trên thị trường tự do có tăng trong thời gian gần đây một phần được cho là tác động bởi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc kiểm soát dịch bệnh ở vùng biên giới khá nhiêm ngặt, nên khó xảy ra tình trạng vàng lậu vào thị trường. Trong khi đó, tỷ giá chính thức vẫn được kiểm soát ổn định, linh hoạt.
Theo nhận định của ông, lượng kiều hối về Việt Nam có chảy vào chứng khoán, bất động sản - các kênh đầu tư đang là xu thế hiện nay?
Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM và cả nước.
Những năm qua, tỷ giá được kiểm soát ổn định, lãi suất tiền gửi USD còn 0%, nhưng lãi suất tiết kiệm tiền đồng khá cao, nên người nhận kiều hối chủ yếu chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm.
Trước áp lực mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiền đồng giảm thời gian qua, trong khi đó, một số kênh đầu tư khác (như bất động sản, chứng khoán) tăng, cũng phần nào thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM trong 9 tháng qua vẫn tăng.
Lãi suất tiền gửi ngoại tệ là 0%, trong khi đó, lãi suất tiền đồng giảm. Điều này có khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn tiền nhàn rỗi? Liệu lãi vay có khả năng giảm thêm trong những tháng cuối năm không, thưa ông?
Vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 9/2021 chiếm tỷ trọng khoảng 11,8%, giảm 2,02% so cuối năm 2020. Dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ chiếm tỷ trọng 7,2% trên tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, với xu hướng lãi suất tiết kiệm tiền đồng giảm trong thời gian qua và xuống mức thấp hiện nay, khả năng khó có thể giảm sâu thêm trong thời gian tới. Vì thực tế, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng chậm lại trong thời gian qua và thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 9/2021 ước đạt 3,045 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm 2020; dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 9/2021 tăng 6,41% so cuối năm 2020. Nhưng nếu tính riêng quý III/2021, tín dụng trên địa bàn TP.HCM chỉ tăng 0,76% so với quý II/2021.
Quả thực, nếu so với lạm phát, thì lãi suất tiết kiệm hiện vẫn thực dương, nhưng so với lợi suất đầu tư ở các kênh khác, thì lại thấp hơn. Trong khi đó, muốn giảm được lãi suất cho vay, thì phải giảm lãi suất đầu vào.