Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho hay, tính riêng quý II/2024, kiều hối chuyển về đạt 2,309 tỷ USD, giảm 19,5% so với quý I/2024, nhưng vẫn tăng 4,2% so với quý II/2023. Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Trước đó, đến hết quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước, tăng 35,4% so với cùng kỳ - là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Kết quả này được hỗ trợ bởi các yếu tố như kiều hối từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng kiều hối chuyển về quý I/2024 (chiếm 59,1%), tăng 7,5% so với quý trước, tăng 86,1% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó còn có các yếu tố mang tính khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như: yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập… thì việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng.
Kiều hối về TP.HCM đạt 5,2 tỷ USD trong nửa đầu năm |
Ông Lệnh cho hay, một số giải pháp thu hút nguồn kiều hối cũng như sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối cần được quan tâm xem xét, triển khai thực hiện trong thời gian qua và thời gian tới gồm: tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối, về thu hút kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối.
Thực hiện tốt hoạt động này, không chỉ đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài. Sự tiện ích và bảo đảm an toàn hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng thu hút kiều hối thông qua hoạt động của hệ thống chi trả kiều hối, gồm các công ty kiều hối và các TCTD trên địa bàn.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, với định hướng và tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính (trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa…) để mang lại hiệu quả lớn hơn,.
Đây sẽ là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế Thành phố: kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư; phù hợp với nhu cầu người lao động ở nước ngoài quan tâm để cải thiện đời sống và phát triển sản xuất kinh doanh.
Cũng theo ông Lệnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát và xung đột leo thang, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 9,460 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 - mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
“Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố”, ông Lệnh nói. Trong 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM luôn trong xu hướng tăng trưởng qua từng năm và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin, hơn 190 tỷ USD là lượng kiều hối về Việt Nam trong 30 năm. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Thực tế, trong nhiều năm qua Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh, cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Theo đó, thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối đã thông thoáng; có những phản hồi, hỗ trợ cho kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước.
Đặc biệt, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) cho phép bà con Việt kiều được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Luật Đất đai năm 2024 đã thay đổi căn bản khi xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là quốc tịch, không còn xác định theo nơi cư trú.
Theo quy định mới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam), chính sách được giữ nguyên như pháp luật hiện hành. Người Việt ở nước ngoài sẽ được thừa kế, thế chấp tất cả những nhà liền thổ, sản phẩm bất động sản. Về việc mua bất động sản, họ vẫn sẽ mua trong dự án, nhưng giới hạn số lượng sản phẩm được nới lỏng hơn.
Trong đó, mô hình tài chính vi mô đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhờ nguồn kiều hối chuyển về đã và đang phát huy hiệu quả.Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông, với mục đích thông tin về dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn, tư vấn về dịch vụ chuyển tiền và chi trả kiều hối, mở rộng đối tượng và phát triển dịch vụ chi trả nhằm thu hút kiều hối.