Xuất siêu đã chính thức quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam, sau khi số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chênh lệch xuất nhập khẩu của tháng 8/2017 là 400 triệu USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, xuất siêu đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2017. Tháng trước, theo ước tính ban đầu, Việt Nam nhập siêu 300 triệu USD. Song kết quả cuối cùng, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 17,672 tỷ USD, cao hơn 172 triệu USD so với con số ước tính; trong khi nhập khẩu lại chỉ đạt 17,406 tỷ USD, thấp hơn 394 triệu USD so với số ước tính, nền kinh tế đã xuất siêu 266 triệu USD chứ không phải là nhập siêu.
Nhập siêu giảm sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng GDP. |
Như vậy, xuất siêu đã quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam và đó là tín hiệu tích cực. Điều này đã góp phần quan trọng đẩy nhập siêu của toàn nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm xuống chỉ còn 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,41 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,28 tỷ USD. Nhập siêu giảm sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng GDP.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 18,1 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, nhập siêu từ Hàn Quốc đã lên tới 21,2 tỷ USD, tăng 60,4%.
Quay trở lại với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước ước đạt kim ngạch xuất khẩu 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 37,83 tỷ USD, tăng 15,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,67 tỷ USD, tăng 18,9%.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 135,63 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 54,24 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 81,39 tỷ USD, tăng 25%.