Thật không ngoa khi nói rằng, đây là thời đại thống trị của các nền tảng công nghệ (platform). Từ các mạng xã hội như Facebook hay WeChat cho đến các ứng dụng dịch vụ như Uber hay Airbnb, các nền tảng này đang làm đảo lộn nhiều mô hình kinh doanh truyền thống của thế giới online lẫn offline.
Tuy nhiên, để hiểu rằng các mô hình nào đang bị “phá bĩnh” bởi những nền tảng công nghệ mới không phải là đơn giản. Theo bộ đôi nhà nghiên cứu David S. Evans (chủ tịch Global Economics Group) và Richard Schmalensee (giáo sư đại học MIT), đã xuất hiện khá nhiều hiểu lầm xoay quanh việc này. Evans và Schmalensee cho rằng, những mô hình kinh doanh truyền thống cung cấp dịch vụ và hàng hóa trực tiếp cho khách hàng không bị đe dọa nhiều bởi các nền tảng công nghệ. Thay vào đó, “nạn nhân” chính của các platform lại là những công ty trước giờ sống nhờ vào dịch vụ môi giới (matchmaking), kết nối người bán và người mua.
Dựa vào nghiên cứu của mình, 2 chuyên gia Evans và Schmalensee đã lập ra một danh sách các platform công nghệ hàng đầu hiện nay và những ngành kinh doanh truyền thống đang bị họ “phá bĩnh” (disrupt):
Có thể thấy rằng, những doanh nghiệp môi giới truyền thống đã xác định được cơ hội kinh doanh thông qua việc kết nối các nhóm người bán và người mua lại với nhau. Tuy nhiên, các platform công nghệ đang đe dọa họ thông qua khả năng làm điều đó tốt hơn, hiệu quả hơn và trên quy mô lớn hơn (scalable).
Hệ điều hành Windows của Microsoft là một ví dụ về việc bị “phá bĩnh”. Từng là hệ điều hành thông dụng nhất thế giới trong hơn 25 năm liền, Windows đã bị “phá bĩnh” dữ dội bởi các hệ điều hành di động iOS của Apple và Android của Google, tới mức số lượng máy tính dùng Windows được bán ra trên toàn cầu bị giảm mạnh. Điều này cũng kéo theo việc nhiều nhà phát triển phần mềm chuyển qua tập trung làm sản phẩm cho iOS và Android thay vì Windows.
Các dịch vụ taxi là một câu chuyện thú vị khác. Thực ra trước nay các dịch vụ taxi truyền thống cũng hoạt động chả khác gì Uber hay Didi, có điều là với chất lượng tệ hơn. Hoạt động của họ dựa trên một tổng đài trung tâm, nơi kết nối các tài xế với khách hàng gọi xe. Ở những thành phố lớn, nơi người nào muốn lái taxi truyền thống phải mua giấy phép đặc biệt (medallion), giá của các giấy phép này đã giảm cực mạnh. Điều này cho thấy rằng các tài xế taxi đã không còn tin tưởng vào tương lai của mô hình truyền thống nữa, và Uber đã thành công trong việc “phá bĩnh”.
Trong ngành công nghiệp truyền thông, Google và Facebook đã sử dụng công nghệ mới để làm đảo lộn cách thức kinh doanh quảng cáo. Bên cạnh những tờ báo in truyền thống, những gã khổng lồ thế hệ đầu của làng công nghệ như AOL và Yahoo cũng đã trở thành nạn nhân của Google và Facebook. Từng một thời có trị giá hơn 100 tỷ USD, AOL lẫn Yahoo đã được Verizon mua lại với giá chưa tới 5 tỷ USD trong năm qua.
Bất kỳ doanh nghiệp nào tạo ra giá trị từ việc làm môi giới trung gian đều đang là mục tiêu để “phá bĩnh” của các nền tảng công nghệ mới. Và dĩ nhiên, những nền tảng thành công nhất ngày hôm nay cũng sẽ là đối tượng cho các startup sinh sau đẻ muộn nhắm vào. Theo Evans và Schmalensee, tốc độc phát triển công nghệ quá nhanh đã rút ngắn đáng kể khoảng thời gian từ lúc một platform mới được khai sinh cho tới lúc nó bị thách thức bởi một platform khác mới hơn nữa. Trong vòng 5-10 năm tới đây, sẽ còn rất nhiều thay đổi lớn, và Yahoo sẽ không phải là gã khổng lồ công nghệ cuối cùng bị hạ gục.