Điều này rất có thể hiểu là, các cổ đông của 2 Nhà máy nói trên - là các doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn hoặc chiếm tỷ lệ chi phối trên 50%, có thể được phép góp thêm các khoản tiền nhất định vào để giải cứu các dự án này.
Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã từng cho biết, vướng mắc lớn nhất để xử lý các dự án thua lỗ chính là tìm nguồn tài chính.
“Trong nội bộ PVN cũng đã thảo luận rất nhiều về vấn đề “Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên”, bởi thực tế phải có tiền mới triển khai tiếp các dự án này, nhưng nếu bỏ thêm tiền vào thì vi phạm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại văn bản số 4171-CV/VPTW vì PVN là doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”, là thực trạng được các quan chức của PVN nêu ra trong cuộc họp với Bộ Công thương hồi giữa tháng 7/2017.
Điểm khó mà PVN nêu ra khi đó, cũng được ông Nguyễn Quốc Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Công thương) lý giải rõ ràng. Theo đó, vốn Nhà nước có 2 nguồn, vốn từ ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ Nhà nước. PVN là DNNN nên 1 đồng mà PVN hay doanh nghiệp thành viên mà PVN có góp vốn rót ra nhằm gỡ khó cho các dự án lúc này, xét về nguồn gốc thì vẫn là vốn nhà nước.
Lãnh đạo PVN cũng cho hay, theo quy định hiện hành của ngân hàng Nhà nước, hiện PVN đang có các khoản vay để triển khai các dự án điện, lọc dầu…, nên không được phép cho vay lại với các công ty con dù có các quỹ khác dư dả. Ngay cả tính toán dùng Quỹ Dọn mỏ để có nguồn hỗ trợ cho các dự án cũng vướng vì vẫn được xem là có nguồn gốc vốn nhà nước.
Việc vay ngân hàng của 5 dự án này được chính lãnh đạo PVN thừa nhận là không dễ. Trong quá khứ, Ngân hàng PVComBank (nơi PVN có góp cổ phần) đã cho PVTex vay 60 triệu USD, nhưng hiện còn khoảng 400 tỷ đồng chưa trả được, nên khó lòng vay các ngân hàng khác.
Tại cuộc họp đó, các chuyên gia cũng cho rằng, PVN cần nhanh chóng có báo cáo lại Chính phủ vướng mắc này để có hướng giải quyết, nhằm sớm có lối thoát để giải các dự án liên quan, thay vì loay hoay ngồi tự giải thích câu chữ trên văn bản.
- Nhà máy sản xuất cồn sinh học Ethanol Dung Quất có các cổ đông góp vốn là Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn chiếm 61%; Tổng công ty Dầu (PV Oil) góp 38,75%; Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) chiếm 0,25%.
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
- Tại Tổng công ty Phân đạm và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo), Nhà nước hiện giữ 59,58% vốn điều lệ.