Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội . |
Tất cả các chỉ tiêu KTXH, ngân sách nhà nước được Quốc hội đặt ra cho năm 2019, Chính phủ đều hoàn thành. Ông tâm đắc nhất những chỉ tiêu nào?
Tôi cũng như các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước hết sức phấn khởi trước những kết quả đạt được trong năm nay, trong đó có nhiều kết quả đạt được mang tính bứt phá, tạo điều kiện xây dựng nền tảng năm 2020, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016 - 2020. Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2030 ở tầm cao mới.
Việc hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, kiểm soát lạm phát, cán cân thương mại… hầu như năm nào chúng ta cũng đạt được. Đây là thành tích rất đáng tự hào. Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao Chính phủ hoàn thành 3 các mục tiêu khác, đó là cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các đột phá chiến lược được chú trọng và triển khai tích cực.
Vì sao ông lại đánh giá cao trước việc đạt được 3 mục tiêu này?
Tôi đánh giá cao vì việc đạt được 3 mục tiêu trên đều do nỗ lực của chúng ta, không hề phụ thuộc vào bên ngoài, không phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Nếu các mục tiêu này không hoàn thành thì không đặt được nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, không tạo ra sự phát triển bền vững cho giai đoạn 5 năm, 10 năm tiếp theo và tất cả những mục tiêu khác đạt được chỉ mang tính chất nhất thời, thiếu bền vững.
Đạt được những mục tiêu này có sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành.
Ông có thể giải thích rõ hơn?
Cả 3 chân kiềng của nền kinh tế gồm công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và các lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… tăng trưởng mạnh nhất, chiếm tỷ trọng trong GDP ngày càng lớn, nên tỷ trọng của khu vực nông nghiệp giảm đi (trong 9 tháng của năm 2019, khu vực nông nghiệp chỉ đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung, trong khi đó, công nghiệp và xây dựng đóng góp 52,6%; dịch vụ đóng góp 42,6%) đã từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập của người dân.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu xã hội từ lao động nông nghiệp, sang lao động công nghiệp, dịch vụ. Đây là hướng đi bền vững của sự phát triển.
Trên 3.550 điều kiện kinh doanh trong tổng số khoảng 6.190 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, vượt 11,5% mục tiêu đề ra; khoảng 6.780 trong tổng số gần 9.930 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu được cắt giảm, vượt 36,5% mục tiêu đề ra chính là các giải pháp thiết thực nhất, có tính chất đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiết giảm thời gian, tiền bạc, công sức khi tiếp cận thị trường...
Đây chính là những điều kiện quan trọng nhất để giải phóng nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu lâu dài và vững chắc. Nếu không có đột phá này thì làm sao trong những năm vừa qua, bình quân mỗi năm có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Trong 9 tháng của năm nay đã có thêm 102.300 doanh nghiệp thành lập mới, chưa kể 27.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Thế còn các đột phá chiến lược thì sao, thưa ông?
Đột phá chiến lược phải bắt đầu từ hệ thống luật pháp, vì luật pháp phải đi trước, định hướng, điều chỉnh mọi hoạt động của xã hội. Hệ thống pháp luật vừa thiếu, vừa không đồng bộ chính là điểm nghẽn của thể chế và được xác định là một trong 3 điểm nghẽn của sự phát triển đã có sự cải thiện đáng kể.
Nhìn lại công tác xây dựng pháp luật năm nay, có thể thấy, quá trình xây dựng, thẩm định 25 luật Chính phủ trình Quốc hội, trong đó thông qua 17 luật, cũng như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung rà soát, đánh giá khả thi, đồng bộ, thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính có rất nhiều tiến bộ. Đặc biệt, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh giảm so với mọi năm, không còn tình trạng luật chờ nghị định, nghị định đợi thông tư như trước đây.
Nếu chúng ta không có một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ và có chất lượng cao nhằm hình thành, hoàn thiện cơ chế thị trường theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập thì rất nhiều chỉ tiêu, kết quả đạt được trong quá khứ cũng như năm 2019 chỉ là nhất thời, không ổn định và không lấy gì bảo đảm rằng trong năm tới, nhiệm kỳ tới và những năm sau này có tiếp tục đạt được kết quả khả quan như đã từng đạt được. Nếu không có đột phá công tác xây dựng thể chế thì chắc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) không nâng mức xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng được 10 bậc; cộng đồng quốc tế không xếp Việt Nam ở vị trí thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.