Sản xuất công nghiệp vẫn còn khó khăn, nhưng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Ảnh: Đức Thanh |
Chuyển biến tích cực
Những dấu hiệu tích cực hơn của nền kinh tế đã được thể hiện trong các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội của tháng 10/2023, tháng đầu tiên của quý cuối cùng năm 2023, cũng như tính chung 10 năm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội cũng đã nhắc tới điều này. Theo Bộ trưởng, tháng 10/2023, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, xuất khẩu và cả tiêu dùng trong nước đều đã có “những chuyển biến theo hướng tích cực hơn rất nhiều”.
“Nền kinh tế đang chịu tác động rất nhiều từ bên ngoài nên những khó khăn của thị trường toàn cầu sẽ tác động ngay đến kinh tế Việt Nam. Mặc dù kết quả đạt được chưa như kế hoạch đề ra, nhưng cũng rất đáng trân trọng và tích cực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Rất nhiều số liệu thống kê có thể chứng minh điều này. Chẳng hạn, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư lớn, đạt trên 24,6 tỷ USD sau 10 tháng.
Cùng với xuất khẩu, tiêu dùng trong nước cũng tích cực hơn, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 536.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, mức tăng là 9,4%, loại trừ yếu tố giá cũng vẫn còn tăng 6,9%.
Trong khi đó, dù sản xuất công nghiệp vẫn còn khó khăn, nhưng xu hướng nhích dần đang khá rõ ràng. Cụ thể, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất, kinh doanh khá hơn nên trong tháng 10, cả nước có hơn 15.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 5.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022.
10 tháng, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đạt 10 triệu lượt, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt mục tiêu cả năm; giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch, tăng gần 23% cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và thực hiện trong 10 tháng đạt lần lượt 15,3 tỷ và 18 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2019…
Những con số này là tích cực. Tuy vậy, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) vẫn nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn khá mong manh”.
Mong manh là khi những diễn biến của kinh tế toàn cầu vẫn còn rất phức tạp và nhiều yếu tố bất định. Khi mà các hoạt động xuất nhập khẩu - động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế vẫn đang rất khó khăn, xuất khẩu giảm 7,1% còn nhập khẩu giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng nhanh. Lạm phát cơ bản 10 tháng vẫn tăng 4,38%, cao hơn mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng bình quân (3,2%)…
Chặng đua nước rút
Thực tế, tăng trưởng GDP 9 tháng là 4,24% được công bố, nhiều dự báo cho rằng, khả năng năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt khoảng 5%. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quyết tâm, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 6%. Điều đó có nghĩa, quý cuối cùng của năm, tăng trưởng GDP phải đạt 10,6%.
Bởi thế, 2 tháng cuối năm chính là thời điểm để chạy đua nước rút, “đốc thúc” cả ba động lực tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa. Cả ba động lực tăng trưởng này, theo cả báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, thì đều đang suy giảm và đối mặt nhiều khó khăn.
“Để thúc đẩy tăng trưởng GDP, Chính phủ cần ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2023 và cả 2 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2021-2025”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị và cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng.
Thậm chí, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) còn nhắc tới những giải pháp dài hơi hơn, không chỉ cho 2 tháng cuối năm 2023, là có thể cần tính đến phương án có một kỳ họp bất thường của Quốc hội để xem xét có một gói hỗ trợ tương tự như Nghị quyết 43 (về chính sách tiền tệ, tài khóa thực hiện Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội) nhưng “tăng liều lượng và nội dung hơn”.
Ý kiến về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, tiêu dùng nội địa vẫn đang ở mức yếu, được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, để tăng cầu, tổng cầu của nền kinh tế.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói và cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân đầu tư công.
“Cần rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết và gây lãng phí. Cần chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn theo quy định”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng), để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” sát hơn, có những chính sách, giải pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong thời gian đến.