Lượng đơn hàng mới giảm mạnh trong tháng 5/2023 dẫn đến lo ngại ngành sản xuất có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài |
Áp lực nặng nề
Không nằm ngoài dự đoán, tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2023, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự lo lắng về việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. “Áp lực”, “sức ép”… là những cụm từ được nhắc đến rất nhiều.
“Sức ép thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là rất lớn”, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) nói.
Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Khánh Hòa) thì thẳng thắn: “Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, mức thấp nhất trong điều kiện kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% là rất khó khăn”.
Thực tế, trước đó, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, năm 2023 sẽ rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5%, trong bối cảnh nhiều trung tâm sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng âm, doanh nghiệp phải bán cổ phần giá thấp...
“Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là một thách thức lớn”, chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói như vậy và cho biết, với mức tăng trưởng GDP 3,32% trong quý I/2023, để đạt mục tiêu 6,5%, ba quý còn lại của năm, bình quân mỗi quý tăng trưởng GDP phải đạt khoảng 7,5%.
Số liệu thống kê về tăng trưởng GDP quý II phải tới cuối tháng 6/2023 mới chính thức được Tổng cục Thống kê công bố. Tuy vậy, không quá khó để nhận ra, tốc độ tăng trưởng GDP quý II cũng sẽ không thể ở mức cao. Quý II năm ngoái, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng lên tới 7,83%, sau khi Chính phủ chính thức mở cửa lại nền kinh tế vào thời điểm giữa tháng 3/2022. Trên nền tăng trưởng cao như vậy, đạt được tốc độ tăng trưởng 6-7% không phải là dễ dàng.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, đầu tháng 4/2023, sau khi mức tăng trưởng 3,32% của quý I được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật lại kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo đó, ở cả hai kịch bản - tăng trưởng kinh tế 6% và 6,5% trong năm 2023, quý II/2023, tăng trưởng GDP phải đạt 6,7%.
Chưa nói tới mức tăng trưởng phải lên tới 7,5% và 7,9% trong quý III và IV, để cả năm đạt con số 6,5%, chỉ riêng con số 6,7% của quý II đã là một thách thức lớn.
Thực sự là thách thức, bởi lẽ, các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đều cho thấy, nền kinh tế chưa có nhiều biến chuyển tích cực. Động lực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 2% và 11,6%. Trong khi đó, khu vực dịch vụ, du lịch cũng chưa phục hồi hoàn toàn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay - cũng chưa có cải thiện đáng kể, vẫn chậm và là nỗi lo lớn của các đại biểu Quốc hội.
“Mặc dù dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 5 không xấu đi, Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu ‘chạm đáy’ để bật trở lại trong bối cảnh nhiều khó khăn gia tăng cản trở tăng trưởng”, trong báo cáo vừa được công bố có tựa đề “Chặng đường còn dài”, HSBC đã nhận định như vậy.
Theo các chuyên gia của HSBC, dù dữ liệu thương mại tháng Năm của Việt Nam không suy giảm thêm, nhưng vẫn còn “một chặng đường dài” trước khi thấy được sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%.
Tuy nhiên, 6/7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực này có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước đạt trên 21,173 tỷ USD, giảm 16%; điện tử, máy tính và linh kiện là 20,328 tỷ USD, giảm 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 16,552 tỷ USD, giảm 5,1%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%; giày dép đạt 8,182 tỷ USD, giảm 13,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 5 tỷ USD, giảm 28,7%. Chỉ có phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,428 tỷ USD, tăng 12,5%.
Việc kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Điều quan trọng là, việc nền kinh tế xuất siêu 9,8 tỷ USD trong 5 tháng qua, nhập khẩu suy yếu lớn (giảm 17,9%) lại là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chậm chạp của xuất khẩu trong tương lai.
“Sự suy yếu trên diện rộng của xuất khẩu tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, HSBC nhận xét.
Một thông tin quan trọng khác, theo số liệu vừa được S&P Global công bố, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam (PMI) tiếp tục giảm xuống chỉ còn 45,3 trong tháng Năm so với mức 46,7 hồi tháng Tư. Đây là tháng thứ ba liên tiếp các điều kiện kinh doanh ghi nhận suy giảm. Hơn nữa, mức giảm lần này tương đối mạnh kể từ tháng 9/2021.
“Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng Năm là nguyên nhân dẫn đến lo ngại rằng ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đã nhận định như vậy.
Điều này cho thấy, cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. Tăng trưởng kinh tế vì thế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Hóa giải thách thức
Xuất hiện tại phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào chiều ngày 30/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thông báo một “tin vui”. Đó là theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GRDP quý II của TP.HCM ước đạt 5,87%. Tính chung 6 tháng, con số ước đạt 3,55%.
Dù tốc độ tăng trưởng này chưa hẳn đã cao, nhưng đó thực sự là một tin mừng với TP.HCM và với cả nền kinh tế Việt Nam. TP.HCM là đầu tàu kinh tế nhưng trong quý I/2023 lại chỉ tăng trưởng 0,7%. Điều này khiến cả nước lo lắng. Giờ tình hình đã được cải thiện, nỗi lo sẽ vơi bớt, TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng. Khi kinh tế TP.HCM tăng trưởng cao hơn sẽ tác động tới tăng trưởng GDP của cả nước.
Và không chỉ là TP.HCM, giờ đây, mọi ánh nhìn đang hướng về các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước. Quý I/2023, GRDP của Vĩnh Phúc đã giảm 2,47%, của Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; của Quảng Nam giảm 10,88%; và thậm chí của Bắc Ninh giảm tới 11,85%... Chỉ cần các tỉnh động lực này có chuyển biến tích cực, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phản hồi các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã cho rằng, mặc dù với bức tranh kinh tế hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là một thách thức lớn, nhưng Chính phủ vẫn đang đang tiếp tục bám sát tình hình hoạt động kinh tế; quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực thi các chính sách, huy động mọi nguồn lực tập trung thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm…, từ đó đưa nền kinh tế tiến sát gần hơn mục tiêu đã đề ra.
“Căn cứ vào kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I, quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ sẽ có những quyết định về mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cho phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy sau khi nghe một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc cân nhắc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Mặc dù thừa nhận khó khăn, thách thức là rất lớn, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra những cơ hội của nền kinh tế. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp đang thực hiện quá trình cơ cấu lại chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, đã đạt được những kết quả tích cực và sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. “Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao kéo theo xuất khẩu dịch vụ tăng. Những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao, như dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Chưa kể, việc triển khai các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án thuộc Chương trình Phục hồi; xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi… sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.
“Mặc dù năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, tuy nhiên, Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP. Đặc biệt, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân sau thời gian dài cách ly”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, HSBC dù cho rằng kinh tế Việt Nam đang đối diện với khó khăn, thách thức, nhưng đồng thời cũng cho rằng, bức tranh kinh tế nhìn chung không hoàn toàn chỉ một màu xám. Theo HSBC, ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng, phần nào bù đắp cho những suy yếu ở lĩnh vực bên ngoài.
“Với mùa du lịch hè sắp tới và khả năng nới lỏng các hạn chế về thị thực, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn từ du lịch quốc tế, một nguồn hỗ trợ rất cần thiết đối với nền kinh tế đang chững lại hiện nay”, HSBC nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng.
“Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm vốn cho sản xuất cũng như những giải pháp về phát triển và mở rộng thị trường”, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công dự án, vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã giao cho chủ đầu tư của bộ, ngành, địa phương, nhất là các dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
“Cần cương quyết điều chuyển vốn đầu tư từ những nơi chưa hoàn chỉnh hồ sơ giải phóng mặt bằng, giải ngân chậm để phân bổ cho những nơi làm tốt công tác này. Khắc phục tình trạng vốn chờ công trình, ghi vốn trước, làm các bước thủ tục sau”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.