Cú sốc mang tên Covid-19 không chỉ khiến những đánh giá về năm 2020, về cả nhiệm kỳ 5 năm bỗng nhiên “đứt gãy”, mà quan trọng hơn, kế hoạch cho một giai đoạn mới đòi hỏi cả các nhà lập pháp cũng như hành pháp phải “mới” hơn, linh hoạt hơn.
Không thể đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của năm 2020 theo cách thông thường khi Covid-19 tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, Việt Nam cũng không là ngoại lệ, vì thế, không thể đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của năm 2020 theo cách thông thường.
Tách ra để đánh giá đúng
Cuối tháng 9, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, cũng như kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn này đã gần hoàn tất. Ba báo cáo hơn 170 trang chưa kể phụ lục được lấy ý kiến chuyên gia, qua nhiều cuộc làm việc giữa các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương, đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội thảo luận, quyết định kế hoạch năm mới, cho ý kiến bước đầu kế hoạch của giai đoạn mới tại kỳ họp thứ 10, khai mạc ngày 20/10 tới.
Tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút quyết định Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020, Covid-19 là khái niệm hoàn toàn xa lạ. Gần một năm sau, thời điểm khởi động việc xem xét toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội để xây dựng kế hoạch 5 năm mới, thế giới đã có trên 31 triệu người nhiễm bệnh và khoảng 1 triệu người tử vong bởi đại dịch này. Thiệt hại không thể thống kê nổi, cũng không thể lường hết những sang chấn bởi Covid-19 tiếp tục hoành hành đến khi nào.
Trung tuần tháng 9/2020, tại Đại hội đồng lần thứ 41, Hội đồng Liên nghị viện ASEAN mà Quốc hội Việt Nam là chủ nhà, không phát biểu nào của các nghị viện thành viên, quan sát viên không đề cập Covid-19, một cuộc khủng hoảng không dừng ở y tế, mà tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, làm đảo lộn cả thế giới.
Đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ đại suy thoái 1929-1933 và có thể dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính, tiền tệ. Ở trong nước, sau hai đợt giãn cách, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất - kinh doanh bị đình trệ nghiêm trọng.
Để gút lại đánh giá toàn diện kinh tế - xã hội 5 năm qua và định hướng 5 năm tới, cuối tháng 9/2020, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trực tiếp đến làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ về kinh tế vĩ mô.
Điểm nhận thấy là, tất cả các ý kiến đều cho rằng, Covid-19 làm đảo lộn mọi tính toán theo lẽ thông thường, vì thế, cần làm đậm hơn bối cảnh của cả nhiệm kỳ này và của năm 2020 để đánh giá “nét” hơn kết quả và cả hạn chế của nền kinh tế, bởi bối cảnh nào thì chính sách đó.
Trước đó, tại cuộc họp do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính..., hầu hết các vị đăng đàn đều thống nhất cần tách riêng năm 2020 để đánh giá cho đúng, chứ không nên xây dựng báo cáo theo cách thông thường, đối chiếu kết quả thực hiện với con số pháp lệnh trong Nghị quyết của Quốc hội một cách đơn thuần nữa.
Dù có vị lập luận, với mức tăng trưởng năm 2019 trên 7%, còn 2-3% năm 2020, thì kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam không phải thành tích gì lớn, song nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng dương là rất đáng ghi nhận, rất thành công, 2% đã là con số rất tuyệt vời.
TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực… đều đánh giá cao kết quả tăng trưởng năm 2020 và cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng trong bối cảnh hết sức đặc biệt của “năm Covid-19”.
“Tôi rất đồng ý với các ý kiến là năm nay không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng, đạt 2% cũng là nỗ lực rất lớn với việc theo đuổi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu thế giới tăng trưởng âm 5%, mà Việt Nam được 2% thì vẫn là đi lên, dù có chậm hơn so với chính bản thân chúng ta, nhưng đó không phải là vấn đề lớn với một năm như thế này”, TS. Bùi Quang Tuấn thể hiện quan điểm cá nhân.
Vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa giữ kinh tế không rơi quá sâu - kết quả từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ là điều được nhiều đại biểu, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP vẫn đạt mức tăng trưởng dương, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2020 thặng dư gần 17 tỷ USD; sau các tháng đầu năm bị chững lại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh trở lại, cả vốn cam kết và vốn giải ngân đều tích cực.
Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm mạnh trên toàn cầu do cú sốc Covid-19.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng trong bối cảnh hết sức đặc biệt của “năm Covid-19”. Ảnh: Đức Thanh |
Cùng lúc đó, Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý III ước đạt 2,62%, cao hơn quý II (0,39%) nhưng vẫn thấp hơn quý I (3,68%). Kết quả đó giúp GDP 9 tháng tăng 2,12%. Dù tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2020 thấp nhất trong một thập kỷ qua, nhưng theo Tổng cục Thống kê, đây vẫn là “thành công lớn”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích, trong bối cảnh cả thế giới tăng trưởng âm mà Việt Nam tăng trưởng dương là rất quý. Năm 2019, kinh tế Việt Nam sôi động như thế, nếu năm 2020 được 2% đã là rất quý.
Nỗi lo “tiền tươi thóc thật”
Đánh giá rất cao điểm sáng tăng trưởng, song cả Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội lại khá “đau đầu” khi nói đến bài toán ngân sách.
Nếu vẫn trong bối cảnh bình thường cũ thì thông tin nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có khả năng vượt ngưỡng quy định là 25% tổng thu ngân sách nhà nước có lẽ sẽ rất khó nhận được sự cảm thông từ các chuyên gia và các vị đại biểu Quốc hội, như tại phiên họp nói trên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tăng trưởng quý III đạt 2,62%, là cơ sở để nhận định rằng, chúng ta có thể tăng trưởng dương trong năm 2020 với mức từ 2-3%. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm, châu Á - Thái Bình Dương chỉ có Trung Quốc và Việt Nam có tăng trưởng cao, Việt Nam xếp thứ hai châu Á - Thái Bình Dương và đứng đầu ASEAN.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng mức tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng đặt ra đầu năm.
Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là thu ngân sách, bởi ngân sách là “tiền tươi thóc thật” của nền kinh tế. Nhưng có một số dấu hiệu cho thấy, hụt thu ngân sách năm 2020 sẽ rất thách thức. 8 tháng đầu năm mới thu được 53,3% dự toán, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu từ thuế, phí mới đạt 17,2% GDP, khá thấp so với chỉ tiêu Quốc hội quyết định. 43/63 địa phương thu nội địa không hoàn thành dự toán. Rõ ràng, bội chi sẽ tăng lên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có khả năng vượt 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước.
Cần phải nói thêm, hình như trong bối cảnh ngân sách nhiều căng thẳng, báo cáo của Bộ Tài chính có thêm dấu “mật”, trong khi báo cáo ở nhiều cuộc tương tự trước đó không có dấu này.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/9/2020 ước tính đạt 902.500 tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm. Còn tổng chi ước đạt 1.036.400 tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 716.300 tỷ đồng, bằng 67,8%; chi đầu tư phát triển 235.300 tỷ đồng, bằng 50%; chi trả nợ lãi 78.400 tỷ đồng, bằng 66,3%.
Theo các con số được công khai tại báo cáo chung về kinh tế - xã hội, ước cả năm, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.323.100 tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán; tổng chi khoảng 1.686.200 tỷ đồng, bằng 96,5% dự toán. Bội chi khoảng 319.400 tỷ đồng, bằng khoảng 5% GDP; nợ công bằng 57-58% GDP; nợ Chính phủ bằng 51-52% GDP.
Không những cho rằng, mức bội chi có thể tăng hơn 1% so với kế hoạch là điều phải chấp nhận, một số chuyên gia còn khuyến cáo, cơ quan điều hành đừng quá ngại ngần khi phải dùng ngân sách tạo lực cầu. Lúc này, theo chuyên gia Nguyễn Tiên Phong (UNDP Việt Nam), Nhà nước là người duy nhất có thể tăng chi.
Không đặt nặng tăng trưởng, nhưng cần đánh giá thật thẳng thắn về khả năng thu ngân sách và việc thực hiện gói hỗ trợ lần thứ nhất, từ đó xác định quy mô gói hỗ trợ thứ hai, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó không chỉ là nhấn mạnh của một vài ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội.
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thông tin, tại buổi làm việc với Bộ Tài chính trước đó, khả năng nới bội chi đã được Bộ Tài chính tính đến. “Nhưng tôi nêu rõ quan điểm là bội chi chỉ dành cho phát triển, chứ không làm các việc khác. Nguyên tắc đó là xuyên suốt để từ đó phải tính lại giải ngân”, ông Hiển nhấn mạnh.
Trao đổi với cơ quan chắp bút kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, 2020- 2021 tính kỹ là sẽ hụt thu, đã hụt thu thì phải giảm chi tương ứng, nếu tăng bội chi thì phải chi cho phát triển.
(Còn tiếp)