Thời sự
Kinh tế Bạc Liêu khởi sắc ngay từ đầu nhiệm kỳ
Huy Tự - 31/05/2021 09:29
Trong nhiệm kỳ 5 năm (2020 - 2025), Bạc Liêu tập trung mọi nguồn lực cho phát triển chiều sâu 5 trụ cột, nhờ đó, kinh tế của tỉnh có tín hiệu khởi sắc ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Thu hoạch tôm tại khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao ở Bạc Liêu

Tăng trưởng khá trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ kép

Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021. Đồng thời, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho các đơn vị.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và phải tập trung cho công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nhưng chỉ số tăng trưởng kinh tế - xã hội của Bạc Liêu tiếp tục giữ ổn định và có ngành, lĩnh vực tăng so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong 4 tháng đầu năm 2021 của Bạc Liêu là tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng khá so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào mặt hàng thủy sản, ước đạt 21.148,97 tấn, bằng 25,17% kế hoạch, tăng 9,61% so với cùng kỳ; muối xuất khẩu 4 tháng ước đạt 261,6 tấn, bằng 23,78% kế hoạch, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 222 triệu USD, đạt 25,06% kế hoạch, tăng 10,98% so cùng kỳ.

Về phát triển doanh nghiệp, những tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Trong 4 tháng của năm 2021, toàn tỉnh đăng ký hoạt động 140 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.633 tỷ đồng, tăng 25% số doanh nghiệp và tăng 69% số vốn đăng ký so cùng kỳ.

Bạc Liêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cách tiếp cận nhà đầu tư, bởi thế tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh rất khả quan. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 542,69 tỷ đồng, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án. Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 2,25 tỷ đồng.

Cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án (trong đó 4 dự án trong nước, 3 dự án nước ngoài), nội dung điều chỉnh gồm: địa điểm thực hiện dự án, diện tích sử dụng đất và diện tích sử dụng khu vực biển, tổng vốn đầu tư, thông tin nhà đầu tư, tên dự án, mục tiêu dự án, quy mô dự án, tiến độ thực hiện dự án.

Lũy kế đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã thu hút được 163 dự án (trong đó 149 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 41.900,28 tỷ đồng; 14 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 4,489 tỷ USD).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bạc Liêu, nhìn chung các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2020 đều đảm bảo tiến độ thực hiện dự án cũng như thực hiện các thủ tục pháp lý khác có liên quan như xin phép xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… để đảm bảo khởi công dự án đúng theo tiến độ đã đăng ký.

Phát huy những kết quả đạt được và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế trong năm nay, trước mắt, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế”. Theo đó, Bạc Liêu sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Duy trì thị trường xuất khẩu chủ lực và không ngừng mở rộng, khai thác thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển thị trường nội địa, thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng và phát triển thương hiệu Việt.

Hai là, tập trung thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm; ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực; xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu nguyên con sang Australia và các thị trường khác.

Ba là, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, các dự án điện gió, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn. Đặc biệt, đối với các dự án điện gió đang còn vướng giải phóng mặt bằng (Hòa Bình 2, Hòa Bình 5), cần tích cực tuyên truyền để nhân dân đồng tình và tạo điều kiện sớm thi công hoàn thành công trình… 

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Bạc Liêu

Đột phá phát triển chiều sâu 5 trụ cột kinh tế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh Bạc Liêu đã xác định tập trung thực hiện 3 đột phá gồm: đẩy mạnh các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí; tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm cao với công việc và phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, nhất là hàng không, cảng biển, hạ tầng điện và công nghệ thông tin, hạ tầng giáo dục, y tế, đô thị lớn...

Nghị quyết Đại hội cũng đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2020 - 2025) từ 10 đến 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 110 - 120 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 60.000 - 65.000 tỷ đồng; tốc độ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15 - 17%/năm trở lên; số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021 - 2025 là 2.000 doanh nghiệp; phấn đấu số hợp tác xã thành lập mới giai đoạn 2021 - 2025 là 100 hợp tác xã kiểu mới; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 1.512 triệu USD; phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; có 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Định hướng ưu tiên thu hút đầu tư theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội:

Một là, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao và lúa chất lượng cao, gắn với liên kết chuỗi giá trị.

Hai là, phát triển công nghiệp, đột phá là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trọng tâm gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí.

Ba là, phát triển du lịch.

Bốn là, phát triển thương mại dịch vụ - giáo dục - y tế chất lượng cao.

Năm là, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trên cơ sở đó, trung tuần tháng 4/2021, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch bám sát quan điểm, nguyên tắc lập quy hoạch, bám sát Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và xác định 3 khâu đột phá. Đơn vị tư vấn gồm liên doanh 4 nhà thầu tiến hành các bước công việc đến hết tháng 2/2022 sẽ tiến hành hoàn tất báo cáo để thông qua HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc lập quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đơn vị tư vấn thực hiện dự án. Đối với nhà thầu, đơn vị tư vấn trong lập quy hoạch phải xem xét tích hợp gắn với liên kết vùng giữa Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, đồng thời triển khai các công việc đúng với tiến độ đã đề ra, nhất là Hội đồng Quy hoạch tỉnh phải phát huy vai trò trách nhiệm trong công việc, phối hợp tốt với đơn vị tư vấn xử lý các công việc liên quan, nhằm đảm bảo cho ra sản phẩm quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 đạt chất lượng tốt nhất.

Tin liên quan
Tin khác