Mô hình trở thành điểm tựa trong dịch Covid
Cuối tháng 3 vừa qua khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Qantas Airlines - một trong những hãng hàng không lâu đời trên thế giới - đã phải thông báo cắt giảm 20.000 nhân viên – tương đương 2/3 lực lượng lao động. Cùng lúc này, Woolworths - chuỗi siêu thị lớn nhất tại Australia - lại đang quá tải vì lượng lớn người dân đến mua sắm hàng thiết yếu nhằm tích trữ. CEO Woolworths đã kết nối với Qantas để thuê lại tạm thời những nhân viên đang trong danh sách buộc thôi việc.
Cách làm của hệ thống siêu thị lớn nhất nhì Australia đã thể hiện mô hình kinh doanh khác biệt phù hợp với giai đoạn mới, trong đó, sự tồn tại của doanh nghiệp và môi trường xung quanh không thể tách rời. Khi doanh nghiệp tìm cách tạo ra giá trị kinh doanh xuất phát từ việc tạo ra giá trị cho xã hội, họ có cơ hội trụ vững hơn trong bối cảnh kinh doanh bất ổn, và từ đó lại có thêm động lực tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo nhằm mở rộng quy mô và tiếp tục tạo ra các tác động tích cực tiếp theo lên cộng đồng.
Triết lý kinh doanh này xuất phát từ Trường Kinh doanh Harvard cách đây hơn chục năm, sau đó được phát triển tiếp tục bởi các nhà kinh tế của trường đại học danh tiếng này. Mô hình kinh doanh Tạo giá trị chia sẻ - CSV (Creating Shared Value) đã chứng minh được “chân lý” của nó khi thị trường và nền kinh tế biến động, chẳng hạn như trong đại dịch Covid-19. “Giá trị” được tạo ra có thể là các giá trị xã hội, như sức khỏe, giáo dục, môi trường, khả năng tiếp cận, việc làm, và các giá trị kinh tế, như tăng lợi nhuận tài chính, giá trị thương hiệu, thị phần, nguồn cung ổn định, thêm khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư trung thành…
Tạo ra sự thay đổi lớn trong cộng đồng
Mặc dù được nhắc đến nhiều trở lại trong giai đoạn Covid-19 nhưng trên thực tế CSV đã được áp dụng rộng rãi trước đó. Nhìn vào khu vực Đông Nam Á, Gojek cũng là một ví dụ tiêu biểu áp dụng CSV trong chiến lược kinh doanh xuyên suốt của họ. Năm 2010, Nadiem Makarim, nhà sáng lập Gojek, đã khởi đầu nền tảng siêu ứng dụng này với dịch vụ tổng đài kết nối các ojek (có nghĩa là “xe ôm” trong tiếng Indonesia) với khách hàng sau khi quan sát các tài xế xe 2 bánh dành phần lớn thời gian ngồi chờ khách ở các ngã tư đường, trong khi khách hàng lãng phí thời gian để đi tìm một chiếc ojek có sẵn.
Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam |
Sau khi giúp cải thiện thu nhập của các tài xế với dịch vụ chở khách xe hai bánh, Gojek đã đầu tư, tìm kiếm, và phát triển thêm hơn 20 dịch vụ mới vừa gia tăng cơ hội thu nhập cho tài xế với đa dạng dịch vụ, thay vì chỉ đơn thuần chạy xe ôm như dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng, giao đồ ăn, vừa giúp tăng trưởng hoạt động kinh doanh. Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam, trong một lần chia sẻ về mô hình CSV cho biết, “Tất cả những dịch vụ này bổ trợ nhau và lập tức đưa thu nhập bình quân của tài xế vượt gấp đôi so với mức trung bình của người Indonesia... Tăng trưởng kinh doanh và tạo ra giá trị xã hội tạo thành vòng xoáy quay liên tục”
Với 900.000 nhà hàng, trong đó phần lớn là các nhà hàng vừa, nhỏ, và siêu nhỏ cộng với 2 triệu tài xế trên toàn khu vực Đông Nam Á, Gojek hai lần lọt vào danh sách top 20 công ty của Fortune về khả năng tạo ra những thay đổi trên thế giới.
Tại thị trường Việt Nam, Gojek cũng tiếp tục nhân rộng mô hình kinh doanh tạo ra giá trị chia sẻ khi bắt đầu hoạt động với các dịch vụ xoay quanh chiếc xe hai bánh: chở khách, giao đồ ăn, giao hàng. Hệ sinh thái của ứng dụng này nhanh chóng tạo ra thu nhập cho 150.000 tài xế, 80.000 nhà hàng mà phần lớn họ là các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ, là những đối tượng dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường xung quanh.
Theo ông Phùng Tuấn Đức, doanh nghiệp cần xác định sứ mệnh của doanh nghiệp và xác định nhu cầu xã hội để lựa chọn phương án CSV phù hợp. Trong đó, việc xác định nhu cầu xã hội có thể xem là thách thức lớn nhất.
Vậy nên dù trước hay trong bối cảnh bình thường mới thì để tạo ra mô hình CSV bền vững, việc dung hòa giữa tầm nhìn, sứ mệnh của công ty với những vấn đề, thách thức của xã hội để tìm ra chiến lược hoạt động dài hạn phù hợp luôn là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất, đòi hỏi tầm nhìn của người lãnh đạo và tính đổi mới sáng tạo rất lớn.
“Giải quyết các vấn đề cộng đồng trước, kết quả kinh doanh sẽ đến sau. Vòng lặp này tiếp diễn sẽ tạo mô hình kinh doanh bền vững mà doanh nghiệp ở quy mô nào cũng áp dụng được”, ông Đức đúc kết.