Giai đoạn phục hồi, bứt tốc
Chia sẻ từ ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các ngành kinh tế cấp I thuộc khu vực dịch vụ đang được phục hồi, tăng trưởng khá, chiếm hơn 2/3 cơ cấu kinh tế của Thành phố.
Có thể nói, khu vực dịch vụ đang là trụ đỡ chính giúp kinh tế TP. Đà Nẵng vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Con số này được cơ quan thống kê 6 tháng đầu năm ước đạt gần 58.000 tỷ đồng; trong đó, khu vực dịch vụ chiếm 67,44%.
Trong mức tăng trưởng 7,23% của toàn nền kinh tế Đà Nẵng thì khu vực dịch vụ tăng 9,82%, tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào mức tăng chung đạt 89,95%.
Về lĩnh vực thương mại, hoạt động mua sắm trực tiếp đang có dấu hiệu phục hồi tốt sau khi đại dịch được khống chế, cùng với đó thương mại điện tử vẫn không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng toàn ngành thương mại 6 tháng ước đạt 5,9% so với cùng kỳ; doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 31.917 tỷ đồng.
Cũng theo Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, lĩnh vực lưu trú và ăn uống tại Đà Nẵng đã phục hồi tích cực và bứt phá kể từ cuối quý I/2022. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch xúc tiến quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Thành phố trong năm 2022.
Cũng chia sẻ từ ông Vũ, nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng bứt phá, trở thành địa phương phục hồi nhanh và hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng ngay trong quý II/2022.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, 25 năm qua TP. Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, những con số về lượng không có gì phải chê |
Trước đó, tại Hội thảo về “Phát triển Đà Nẵng thành điểm đáng đến và đáng sống” do Báo Đầu tư tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 6 vừa qua, nói về sự phát triển của Đà Nẵng, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhận xét, 25 năm qua TP. Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, những con số về lượng không có gì phải chê.
TS Thiên cho rằng, ở Việt Nam ít có địa phương nào có thể tự hào như Đà Nẵng về những con số vượt trội như thế. Trong đó nền tảng cho sự thành công khi bàn về cái đáng đến và đáng sống của Đà Nẵng không thể không bàn. Thậm chí phải bàn một cách nghiêm túc đó là chưa có địa phương nào ở Việt Nam có bảng xếp hạng PCI tốt như Đà Nẵng.
Cùng nhìn nhận này, TS Lương Hoài Nam (Chuyên gia kinh tế và hàng không) cho biết, rất vui khi thấy sự trở lại của ngành du lịch Đà Nẵng sau 2 năm COVID-19. Ông cho rằng, không gian hệ sinh thái du lịch của Đà Nẵng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là Thành phố có định hướng rất đúng trong chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Trước COVID-19 du lịch chiếm 9% GDP của Việt Nam, trong đó du lịch phải chiếm 15% kinh tế Đà Nẵng, cao hơn trung bình cả nước rất nhiều”, TS. Lương Hoài Nam nhận định.
Cú huých từ lĩnh vực thương mại, dịch vụ
TS Lương Hoài Nam cũng cho rằng, không gian hệ sinh thái du lịch của Đà Nẵng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là Đà Nẵng có định hướng rất đúng trong chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng quan điểm, Đà Nẵng đang có những gì và đang cần những gì để có thể kiến tạo nên diện mạo mới, theo TS. Trần Đình Thiên thì Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu.
Quy mô kinh tế Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ, bước sang giai đoạn bứt tốc. Trong đó phải kể đến "nét quyến rũ "của Đà Nẵng được đánh thức mạnh mẽ để phục vụ phát triển du lịch. |
Đà Nẵng cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển… Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí…, TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
"Hiến kế" để Đà Nẵng lấy lại đà phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng phải lựa chọn “đại bàng” trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển: du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính…
Trong đó khẳng định, Đà Nẵng cần làm gì để giữ vững ngôi vương về du lịch lẫn đầu tư trong bối cảnh nhiều năm qua bị tác động bởi Covid-19 và tác động từ sự trỗi dậy của những thị trường mới năng động khác.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay ghi nhận nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn như: Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón hơn 760.000 lượt khách, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 210.000 lượt khách, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021; Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 150.000 lượt khách…; công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%.
Trong tháng 6/2022, các cơ sở lưu trú phục vụ khoảng hơn 417.000 lượt khách, tăng gấp 8,8 lần so cùng kỳ năm 2021, trong đó khách nội địa ước đạt hơn 389.000 lượt, tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ.
Quyết liệt thực hiện Chủ đề công tác năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng - “Đà Nẵng đã kiểm soát tốt, hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất các lĩnh vực”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho hay, hiện tổng thu ngân sách của Thành phố đảm bảo tiến độ, đạt mức khá cao so với dự toán. Hoạt động xuất xuất nhập khẩu giữ được đà tăng trưởng tốt ước đạt 1 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Lĩnh vực du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, vững chắc. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư đạt những kết quả tích cực. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Cảng Liên Chiểu để quý IV/2022 khởi công…