Đầu tư
Định vị thương hiệu Đà Nẵng - Thành phố đáng sống
Việt Hương - 25/06/2022 14:11
Đà Nẵng đang chuyển mình, bên cạnh những sản phẩm mới về du lịch, giải trí, “Thành phố đáng sống” còn được bổ sung thêm “mảnh ghép” mới về đô thị hiện đại, hứa hẹn đưa Đà Nẵng tiếp tục thăng hạng trên bản đồ đô thị sống, nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Đà Nẵng mang diện mạo của một thành phố du lịch biển hiện đại, đẳng cấp quốc tế           Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Sự trỗi dậy đậm “chất Đà Nẵng”

Là một trong 4 trung tâm du lịch lớn của cả nước (bên cạnh Hà Nội, TP.HCM và Huế), Đà Nẵng còn lọt “tầm ngắm” của các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - du lịch của Việt Nam với tham vọng đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trước năm 1975, Đà Nẵng là căn cứ quân sự của Mỹ, phục vụ chiến tranh. Bên kia sông Hàn, mênh mông cồn cát với đồn bốt, hàng loạt nhà chồ và những khu nhà dồn dân tạm bợ. Cả một vùng rộng lớn từ ngã ba Huế, cửa ngõ phía Bắc Thành phố, chạy dài đến tận chân đèo Hải Vân, nhà dân lưa thưa, còn lại là đồn lũy, nghĩa địa mịt mù cát trắng…

Sau giải phóng (năm 1975), công cuộc tái thiết Thành phố gặp vô vàn khó khăn. Sự chênh nhau về điều kiện sống giữa đôi bờ sông Hàn thời điểm ấy được người dân Đà Nẵng ví von: “con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất”, so sánh giữa Sơn Trà và Hải Châu khi Đà Nẵng mới chỉ có 2 cây cầu, gồm cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý (cũ), giao thông chủ yếu dùng đò ngang sông Hàn…


“Luôn dành sự quan tâm đúng mức cho chất lượng”.


- PGS-TS. Trần Đình Thiên

“Thành tựu phát triển của Đà Nẵng 25 năm qua là sự bứt phá mà không mấy địa phương có được. Nỗ lực của Đà Nẵng là không cố chạy đua theo các thành tích ngắn hạn, không thiên lệch về các kết quả “định lượng”, mà luôn dành sự quan tâm đúng mức cho chất lượng. Đà Nẵng định hướng chiến lược phát triển thành những trung tâm chức năng mới về khoa học - công nghệ, dịch vụ tài chính tầm cỡ quốc tế để phù hợp với sứ mệnh vùng - quốc gia của Đà Nẵng trong giai đoạn phát triển mới”.

Để xóa cảnh đôi bờ ngăn cách, Đà Nẵng cho xây cầu vượt sông, nối đường Lê Duẩn ở bờ Tây sang đường Phạm Văn Đồng phía bờ Đông. Và rồi, cầu quay sông Hàn “ra đời” năm 2000, cũng là cây cầu duy nhất của Việt Nam có khả năng quay 90 độ, song song với dòng chảy để tàu lớn đi qua.

Sau đó, Thành phố tiếp tục có hàng loạt cây cầu như Thuận Phước, nơi cửa sông dài 1.850 m, là cầu dây võng dài nhất Việt Nam; cầu Rồng dài 666 m, giữ kỷ lục “con rồng thép lớn nhất thế giới” có khả năng phun lửa, nước; cầu vượt Ngã Ba Huế với 3 tầng - trở thành “cầu vượt lớn nhất Việt Nam”. Rồi cây cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn…, mỗi cây cầu đều có hệ thống điện chiếu sáng tạo điểm nhấn riêng.

Đà Nẵng đang phát triển mạnh. Bằng sự quyết đoán, đồng thuận cùng chiến lược hợp lý trong quy hoạch đô thị, chính quyền và nhân dân đã biến Đà Nẵng thành một thành phố văn minh, hiện đại bậc nhất ở miền Trung, một thành phố trong mơ của nhiều địa phương. PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, thành tựu phát triển của Đà Nẵng 25 năm qua là sự bứt phá không mấy địa phương có được.

Dẫn dụ về hai tuyến thành tích của Đà Nẵng là “cơ cấu” và “thể chế”, PGS-TS. Trần Đình Thiên thống kê, năm 2019 so với năm 1997, tức là sau 13 năm tách tỉnh, GRDP của Đà Nẵng tăng 8 lần. GRDP/người tăng 8,3 lần, từ 502 USD lên 4.171 USD. Đóng góp vào GDP cả nước của Đà Nẵng tăng từ 1,22% lên 1,88%; đóng góp vào ngân sách tăng 23 lần. Số lượng doanh nghiệp (năm 2020) tăng 2,7 lần. Số dự án FDI cấp mới và tăng thêm liên tục tăng từ 2 dự án ở thời điểm năm 2000, tăng lên 133 dự án vào năm 2019. Lượng khách du lịch tăng gần 55 lần (đạt gần 8,7 triệu lượt khách vào năm 2019)...

Không nhiều địa phương đạt được những thành tích tương tự trong 25 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kết quả khác phản ánh chính xác hơn thực chất về sự trỗi dậy, bứt phá, vươn lên của Đà Nẵng, đậm “chất Đà Nẵng”, chứ không chỉ là sự tịnh tiến, kiểu năm sau hơn năm trước...

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, sức vươn thể chế cũng được thể hiện qua thành tích của Đà Nẵng trong bảng xếp hạng PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) suốt 15 năm qua. Từ năm 2006 - 2020, trong bảng xếp hạng PCI, thành tích của Đà Nẵng là vượt trội với bảy năm xếp thứ nhất, ba năm xếp thứ 2, bốn năm xếp thứ 5 và chỉ có một năm xếp thứ 12 (năm 2012) .

Bảng thành tích thể chế này cho đến nay vẫn chưa có địa phương nào trên cả nước có thể vượt qua, xét cả về tầm cao lẫn mức độ “trường kỳ”. Điều này cho thấy, Đà Nẵng là địa phương đã giải quyết thành công nhất khâu mấu chốt của quá trình phát triển kinh tế thị trường và nhận được sự tín nhiệm của doanh nghiệp dành cho chính quyền.

Có rất nhiều thành tựu đáng kể của Đà Nẵng trong 25 năm phát triển, nhưng PGS-TS. Trần Đình Thiên chỉ nêu ra và nhấn mạnh hai tuyến thành tích về “cơ cấu” và “thể chế” để thấy  rằng, nỗ lực của Đà Nẵng là không cố chạy đua theo các thành tích ngắn hạn, không thiên lệch về các kết quả “định lượng”, mà luôn dành sự quan tâm đúng mức cho chất lượng.

Đà Nẵng luôn biết cách làm mới mình và tạo nên một “cơn sốt” nào đó. Thành phố luôn có những công trình mới mẻ, thú vị khiến người ta muốn  đến khám phá, như khu nghỉ dưỡng Ba Na Hills, chiếc cầu Rồng, vòng quay Mặt trời Sun Wheel…

Những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” dẫn dắt phát triển, như Sun Group, đều có mặt tại Đà Nẵng với hàng loạt công trình đẳng cấp quốc tế… Đà Nẵng còn vinh dự là nơi được chọn tổ chức Hội nghị APEC, là nơi duy nhất diễn ra Lễ hội Pháo hoa quốc tế (DIFF) nhiều năm liên tiếp… Tất cả cho thấy, dù thăng trầm, song Đà Nẵng vẫn sở hữu nội lực mạnh, với tiềm năng và sức hấp dẫn vô cùng lớn.

Bứt phá, chứ không chỉ là tịnh tiến

Nói về “Thành phố đáng sống” tại các diễn đàn, hội thảo về Đà Nẵng, các chuyên gia kinh tế nhiều lần nhấn mạnh, sự phát triển của

Đà Nẵng là một sự bứt phá, chứ không chỉ là tịnh tiến.

Vượt qua cái cũ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đó là một quá trình luôn mang tính “đánh đổi”… Theo nghĩa đó, sự phát triển của Đà Nẵng 25 năm qua cũng là một quá trình “đánh đổi”. Song, nhìn tổng thể và dài hạn, thành tích đạt được của Đà Nẵng vẫn là mặt nổi bật, vẫn là xu thế chủ đạo, là yếu tố quyết định cho định hướng tương lai của Thành phố.

Ảnh: Hoàng Long - vietnamplus.vn

“Môi trường đầu tư tại Đà Nẵng rất hấp dẫn”.

- Ông Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

“TP. Đã Nẵng có lực lượng lao động được đào tạo tay nghề cao, có cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế và hạ tầng hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thành lập Chi nhánh tại Đà Nẵng. Thông qua Chi nhánh, thời gian tới, sẽ có nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, bởi Đà Nẵng là địa điểm du lịch nổi tiếng được thế giới ưa chuộng… Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Đà Nẵng hoạt động, không những tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, mà còn góp phần vào sự thịnh vượng chung cho người dân Đà Nẵng”.

Nói về “sứ mệnh” làm đẹp những vùng đất, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Vùng miền Trung thuộc Tập đoàn Sun Group chia sẻ: “Chúng tôi kiên định với mục tiêu tìm đến những vùng đất giàu tiềm năng, nhưng chưa được khai thác đúng tầm, để góp phần làm đẹp những vùng đất ấy. Ở đó, chúng tôi kiến tạo những công trình biểu tượng, sản phẩm dịch vụ đẳng cấp, chất lượng, khác biệt, trường tồn với thời gian”.

Tại Đà Nẵng, Sun Group đã xây dựng một hệ sinh thái đẳng cấp, với 3 nhóm sản phẩm chính: Vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản. “Hai năm qua, chúng tôi đã nỗ lực làm đẹp, làm mới cơ sở vật chất của các khách sạn, resort… Năm 2022, chúng tôi cũng sẽ mang tới nhiều điều mới mẻ, thú vị, ngay ở chính những sản phẩm vốn được coi là đã cũ của Sun Group tại địa bàn Đà Nẵng”, ông Bình nói.

Số lượng du khách trong những kỳ nghỉ lễ qua cho thấy, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những tín hiệu phục hồi thực sự, sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đây cũng là những chỉ dấu tích cực cho một mùa du lịch hè sôi động sắp tới, đồng thời mở ra thời cơ mới trong việc đón đầu dòng khách quốc tế vào mùa cao điểm từ tháng 9 đến đầu năm sau.

Đại diện Sun Group cũng cho biết, đồng hành cùng Đà Nẵng, Sun World Ba Na Hills đã sẵn sàng với một phiên bản mới vượt trội cả về chất và lượng.

Với Đà Nẵng, không riêng Sun Group, mà nhiều nhà đầu tư chiến lược khác cũng đã nhận rõ thế mạnh về du lịch biển và đầu tư vào Đà Nẵng để phát huy lợi thế. Hạ tầng hiện hữu với “view biển” như Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành… cũng lập tức đón nhận những khu resort, bãi tắm, công viên, biệt thự, căn hộ cao cấp…, tạo cho Đà Nẵng diện mạo của một thành phố du lịch biển hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, Thành phố đã xác định, đạt được thành quả không dễ, gìn giữ và phát triển thành quả đó càng khó hơn. Chính vì vậy, bên cạnh việc phát huy những thành quả đạt được, cần đúc kết kinh nghiệm trong suốt chặng đường phát triển để tiếp tục hoàn thiện những mặt thiếu sót nhằm đưa Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới.

“Cả quá khứ, hiện tại và trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục “làm mới” chính mình để phát triển mang tính dài hạn cả về kinh tế, văn hóa và du lịch. Trên cơ sở đó, đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách, nhà đầu tư, xứng đáng là một thành phố an toàn và đáng sống”, Chủ tịch UBND Đà Nẵng chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác