TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. |
Theo ông, vì sao tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018?
Kinh tế quý I năm ngoái có sự bứt phá ngoạn mục và thực sự ấn tượng khi tăng 7,45%, do bước sang năm 2018, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi, nên hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại của Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế thuộc vào diện lớn nhất thế giới (tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu gấp khoảng 2 lần GDP), diễn ra hết sức thuận lợi. Ngay cả yếu tố khách quan là thiên nhiên, thời tiết cũng ủng hộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nên tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng tới 3,97%, trong khi cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 1,38%, thậm chí cùng kỳ năm 2016 còn giảm tới 2,69%.
GDP quý I/2018 tăng trưởng ấn tượng còn có sự đóng góp rất lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi tăng gần 14% (với trụ cột chính là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất kim loại) trong khi đó, cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 7,8% - thấp hơn rất nhiều so với năm 2015 và 2016.
Nói tóm lại, GDP quý I/2018 tăng trưởng cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt thấp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế so sánh giữa quý với quý, năm với năm, khi đứng trên nền thấp (mẫu số) thì tốc độ tăng trưởng cao cũng là bình thường. Còn năm nay, chưa tính đến các yếu tố bất lợi, thì việc GDP quý I/2018 tăng trưởng cao, GDP năm nay đứng trên nền cao để tính thì tốc độ tăng trưởng không bằng năm ngoái cũng không phải quá lo lắng, vì trên thực tế, về số giá trị tuyệt đối quy mô nền kinh tế cao hơn nhiều cùng kỳ 2018 và các năm trước.
Có nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,79% trong quý I vừa qua là chấp nhận được, thưa ông?
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3,5%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ mức dự báo thấp hơn 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 3,3% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 đạt 2,9%. Đặt trong bối cảnh này mới thấy, tốc độ tăng trưởng 6,79% trong quý I năm nay của Việt Nam là rất ấn tượng.
Còn nếu so sánh với chính Việt Nam thì tốc độ tăng trưởng của quý I năm nay đạt mức cao nhất kể từ năm 2009 (ngoại trừ năm 2018 có sự đột biến), cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước, trong bối cảnh tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng giảm (giảm 2,2%), khẳng định nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên.
Đáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế, tiếp tục với tốc độ tăng trưởng 2 con số - tăng hơn 11%, mặc dù tăng thấp hơn so với năm 2018 (tăng 15,7%, chủ yếu do có sự tăng trưởng đột biến của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học), nhưng cũng là mức tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm trở lại đây.
Kinh tế quý I không tăng như mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 sẽ tạo áp lực cho 3 quý còn lại, đặc biệt trong bối cảnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 7% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý I không đạt mục tiêu như Nghị quyết 01/NQ-CP đặt ra không hề bất ngờ, mà vào đầu tháng 3, sau khi có kết quả tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại, xuất - nhập khẩu của 2 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo GDP quý I chỉ tăng trưởng 6,58%. Từ dự báo này, chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực cho từng quý còn lại của năm 2019.
Trước thực tế tốc độ tăng trưởng quý I không như dự kiến, ngày 18/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Phiên họp thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và một số địa phương, đưa ra các giải pháp để không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% như Quốc hội đặt ra, mà phải phấn đấu tăng trưởng ít nhất 7%.
Để thực hiện quyết tâm rất cao này, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế cũng như trong nước; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật.
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài, nhưng giải pháp cần kíp nhất để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay là gì, thưa ông?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm cũng có nguyên nhân là giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Theo tính toán, đầu tư công giải ngân tăng 1% thì đầu tư của khu vực tư nhân tăng thêm 1,37%. Trong mấy năm gần đây, giải ngân vốn đầu tư công đều không đạt kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân khiến đầu tư công chậm là hiện tại vẫn chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch, nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng BT. Để tháo gỡ nút thắt này, Chính phủ sẽ sớm ban hành 2 nghị định này, đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Hy vọng năm nay giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch, kéo theo đầu tư của khu vực tư nhân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đặt ra.