Thời sự
Kinh tế EU vẫn còn nỗi lo giảm phát
Uyên Linh - 26/02/2014 14:27
EU có thể sẽ rơi vào nguy cơ giảm phát với tỷ lệ lạm phát ở mức thấp 1% trong năm nay và 1,3% trong năm 2015.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, miền trung nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 25/2 tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc của nền kinh tế tại phần lớn các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Sau khi thoát khỏi khủng hoảng vào mùa Xuân năm 2013 và tăng trưởng chậm trong ba quý liên tiếp, kinh tế EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ tiếp tục trên đà tăng trưởng với mức tăng lần lượt dự kiến là 1,5% và 1,2% trong năm nay, sau đó là 2% và 1,8% vào năm tới.

Kết quả trên có được nhờ biện pháp được triển khai trong toàn liên minh nhằm thúc đẩy kinh tế thông qua nỗ lực cải thiện tăng trưởng của EU.

Theo Phó Chủ tịch EC phụ trách các vấn đề kinh tế, tiền tệ và đồng euro, Olli Rehn, EU đang lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau khi bắt đầu phục hồi trở lại từ giữa năm ngoái. Tuy vậy, ông Rehn nhấn mạnh ngay cả khi cuộc khủng khoảng tồi tệ nhất đã qua đi, cũng không nên nới lỏng các nỗ lực do kinh tế vẫn tăng trưởng chậm.

Lạm phát tại EU và khu vực Eurozone từ vài tháng nay đều nằm trong mục tiêu duy trì lạm phát trung hạn dưới 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, EC cũng lo ngại tình trạng lạm phát thấp trong thời gian kéo dài tại khu vực Eurozone có thể cản trở các kế hoạch tái cân bằng kinh tế.

Theo dự đoán, EU có thể sẽ rơi vào nguy cơ giảm phát với tỷ lệ lạm phát ở mức thấp 1% trong năm nay và 1,3% trong năm 2015.

Mặc dù có cùng quan điểm với EC - không thừa nhận kịch bản EU rơi vào giảm phát trong tháng Hai sau khi thoát khỏi suy thoái nhưng Chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng vẫn cần kiểm soát chặt chẽ lạm phát thấp trong thời gian dài.

Tại cuộc họp thường kỳ mới đây, ECB đã duy trì chính sách tỷ giá hiện nay cũng như các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế khu vực Eurozone, tập trung vào sự phục hồi hiện nay nhằm ngăn chặn lạm phát thấp.

Tin liên quan
Tin khác