Kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021. Ảnh: AFP |
Theo công bố mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn tỷ lệ trung bình 5,5% mà các nhà kinh tế dự báo với Dow Jones trước đó.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2021 cao gấp 3 lần mức tăng quý III, bất luận số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh do biến thể Omicron dẫn đến tình hình thiếu hụt lao động. Trên thực tế, tăng trưởng quý IV của Mỹ được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư hàng tồn kho tư nhân (của doanh nghiệp - BTV) cũng như chi tiêu tiêu dùng.
Với kết quả tích cực của quý IV, kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong năm 2021 với mức tăng 5,7%. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1984 khi Mỹ nỗ lực khắc phục tình trạng kinh tế suy giảm trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
Các thị trường tài chính và tài sản Mỹ phản ứng tích cực sau kết quả tăng trưởng năm 2021, với các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán bật tăng còn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ biến động trái chiều.
Ông Jim Baird, Giám đốc đầu tư tại Công ty tư vấn tài chính Plante Moran Financial Advisors cho rằng: "Sức mạnh kinh tế Mỹ năm ngoái trái ngược hoàn toàn với sự suy giảm hoạt động kinh tế vào đầu năm 2020, đồng thời phản ánh thành công của cả khu vực công và tư trong việc nhanh chóng thích ứng với những thách thức chưa từng có do đại dịch gây ra".
"Điều đáng nói là những khó khăn tiềm ẩn vẫn hiện hữu khi những rủi ro toàn cầu liên quan đến đại dịch Covid-19 vẫn còn", ông Jim Baird lưu ý.
Các bản tin kinh tế công bố hôm 28/1 cho biết tổng Mỹ ghi nhận 260.000 đơn xin thất nghiệp trong tuần từ ngày 17-22/1, giảm 30.000 đơn so với một tuần trước đó. Trong khi đó, các đơn đặt mua hàng hóa lâu bền trong tháng 12/2021 đã giảm 0,9%, cao hơn mức ước giảm 0,6%.
Tuy kết quả GDP năm 2021 đã phản ánh một giai đoạn tăng trưởng vững chắc tổng thể của nền kinh tế Mỹ, nhưng các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch cùng với nhu cầu phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có của Quốc hội Mỹ và Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã dẫn đến sự mất cân bằng trên toàn bộ nền kinh tế.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 2/3 GDP Mỹ, nhưng chỉ tăng 3,3% trong quý IV/2021, trong khi đầu tư tư nhân trong nước, một thước đo chi tiêu kinh doanh và xây dựng hàng tồn kho, tăng tới 32%.
Theo đánh giá của Cơ quan Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, hàng tồn kho đã đóng góp thêm 4,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng nền kinh tế, đặc biệt được thúc đẩy bởi các đại lý ô tô.
Song song với tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát năm 2021 của Mỹ cũng leo lên mức kỷ lục, đặc biệt là ở nửa cuối năm do nguồn cung hàng hóa chưa thể theo kịp nhu cầu phục hồi mạnh mẽ.
Mỹ bước vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng không chắc chắn khi tuần này Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, nhận định rằng tuy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, nhưng tăng trưởng vào đầu năm đang chậm lại.
Trước những bất ổn trên thị trường tài chính và lạm phát tăng kỷ lục, Fed mới đây phát tín hiệu cho thấy cơ quan này sẽ tiến hành tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách vào tháng 3 tới. Đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018.
Đồng thời, các quan chức Fed cũng dự kiến chấm dứt chương trình mua tài sản hàng tháng trong tháng 3 và bắt đầu giải phóng lượng trái phiếu nắm giữ ngay sau đó.
Những động thái thắt chặt chính sách của Mỹ nhằm đối phó với tình trạng lạm phát đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua. Dữ liệu lạm phát tháng 11/2021 được đài CNN tổng hợp cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - hai trong số các thước đo lạm phát được theo dõi nhiều nhất - đều đã tăng lên mức cao nhất trong 39 năm qua. Trong đó, CPI tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự đoán tình hình giá cả hàng hóa tại Mỹ sẽ mất một thời gian để trở lại mức bình thường. Nghĩa là, lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.
Sau cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 25-26/1, Chủ tịch Fed cho biết các quan chức Fed tin rằng họ đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ về việc làm/lạm phát và sẵn sàng bắt đầu tăng lãi suất cũng như siết chặt chính sách tiền tệ.