Công nhân tại tổ hợp hóa dầu ZapSibNeftekhim ở thành phố Tobolsk, Nga. Ảnh: AFP |
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng, việc nhóm các nước G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp trần giá dầu có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 sẽ khiến doanh thu nhập xuất khẩu của Moscow bị thu hẹp và có khả năng sẽ đẩy thâm hụt ngân sách của Điện Kremlin cao hơn so với dự kiến 2% trong năm tới.
Cụ thể, EU đã cấm các dịch vụ vận tải hàng hải vận chuyển dầu thô của Nga đến các nước thứ ba nếu dầu được mua trên mức giá 60 USD/thùng và áp đặt lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu dầu của Nga vào EU bằng đường biển.
Đáp trả lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Theo sắc lệnh, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ bắt đầu bị cấm từ ngày 1/2/2023, song thời điểm bắt đầu thi hành lệnh cấm đối với các sản phẩm từ dầu mỏ sẽ do chính phủ Nga quyết định và có thể là sau ngày 1/2/2023.
Hãng tin RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết giá trần đối với xuất khẩu dầu thô và dầu tinh chế của Nga có thể buộc Moscow phải cắt giảm sản lượng từ 5 - 7% vào năm tới. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng Moscow có thể bù đắp cho khoản thiếu hụt bằng việc phát hành trái phiếu trong nước và quỹ dự phòng khẩn cấp của mình.
"Vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động của mức trần giá dầu mà G7 áp đặt và lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với dầu thô Nga có hiệu lực từ ngày 5/12, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế Nga đang bắt đầu gặp khó khăn", ông Nicholas Farr, chuyên gia kinh tế châu Âu tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Vương quốc Anh), nhận định.
"Dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu của Nga đã sụt giảm kể từ khi lệnh trừng phạt được đưa ra và chênh lệch giá giữa dầu thô Brent so với dầu Urals (của Nga) tuần trước đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng", ông Farr cho biết.
Điều này sẽ ngày càng ảnh hưởng đến doanh thu năng lượng của Nga do giá dầu toàn cầu giảm trong những tháng gần đây. Dầu thô Brent giao kỳ hạn đã giảm từ mức cao nhất khoảng 98 USD/thùng trong tháng 10, xuống còn khoảng 77 USD vào đầu tháng này, trước khi phục hồi lên mức 84,50 USD/thùng vào ngày 27/12 tại thị trường châu Âu.
Trong khi đó, đồng rúp của Nga đã trượt giá gần 10% giá trị so với đồng đô la vào tuần trước, khiến nó trở thành đồng tiền có hiệu suất kém nhất trong các thị trường mới nổi, bất chấp kỳ vọng tích cực trong năm nay.
Ông Farr cảnh báo, đồng rúp suy yếu để lại hậu quả lớn là áp lực tăng lạm phát do chi phí nhập khẩu cao hơn. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã kết thúc đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 10 vừa qua và tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ vào tháng 12. Đồng thời, cảnh báo rằng rủi ro lạm phát "chiếm ưu thế" so với rủi ro giảm phát.
Nếu đồng rúp tiếp tục trượt giá vào năm 2023, chuyên gia của Capital Economics dự đoán Ngân hàng Trung ương Nga có thể buộc phải xem xét việc tăng lãi suất trở lại để kiểm soát lạm phát. Thậm chí, đơn vị này còn cho rằng khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ bị bào mòn và trở thành một vấn đề lớn của năm 2023.
"Nga đã hưởng lợi đáng kể từ việc thúc đẩy các điều khoản thương mại khi giá hàng hóa tăng cao trong năm 2022, nhưng… lợi thế này đối với nền kinh tế Nga hiện đang mờ nhạt dần", ông Farr đánh giá.
Đại diện Capital Economics cho biết thêm: "Chúng tôi cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ phải chịu thêm một đợt suy giảm nữa vào năm 2023. Khi doanh thu năng lượng giảm đồng nghĩa với việc bảng cân đối kế toán của Nga sẽ gặp căng thẳng". Capital Economics lưu ý, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ "thu hẹp nhanh chóng trong những tháng tới".
"Khả năng cao là cần phải tái cân bằng cán cân tài khoản vãng lai quy mô lớn từ năm 2024, điều này sẽ khiến tăng trưởng (kinh tế Nga) trở nên rất chậm", ông Farr nói thêm.