Thời sự
Kinh tế phục hồi tích cực, đồng đều trên cả 3 khu vực
Hà Nguyễn - 01/10/2022 08:24
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2022.

Sáng 1/10, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 9/2022. Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế phục hồi rất tích cực.

Kinh tế phục hồi tích cực, đồng đều trên cả 3 khu vực

“Tăng trưởng kinh tế cao đi cùng với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nền kinh tế đang phục hồi tích cực

Theo đó, một loạt số liệu kinh tế - xã hội đã được Bộ trưởng viện dẫn để chứng minh cho nhận định này.

Trước tiên, là tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ. Cụ thể, GDP quý III tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%.

Tính chung 9 tháng, GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực, nông - lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, với CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 26/09 tín dụng tăng 10,83% so với cuối năm trước; tỷ giá ổn định, phù hợp với dư địa điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực tăng giá đầu vào nhập khẩu và áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Ở góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

“Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 09 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế sau 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD. 

“Hoạt động sản xuất - kinh doanh có nhiều khởi sắc, trong đó, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt”, Bộ trưởng nhận định.

Cụ thể, giá trị tăng thêm công nghiệp trong quý III ước tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả năm 2019 là năm trước dịch (tăng 9,38%). Tính chung 9 tháng ước tăng 9,63% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,05%).

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2022.

Cùng với đó, thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh, nhất là sức cầu trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng ước tăng 21%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%.

Du lịch cũng tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 9 tháng đạt gần 1,9 triệu lượt, gấp 16,4 lần cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…

Rủi ro lớn, yếu tố bất định gia tăng

Nhận định rằng nền kinh tế có xu hướng phục hồi rất tích cực, tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm được các cân đối lớn; và đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, tạo dư địa nguồn lực ứng phó với những rủi ro, thách thức của tình hình thế giới hiện nay, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, nhất là áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu, khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn…

“Nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, thiếu hụt lao động cục bộ…

“Thời gian tới, bối cảnh quốc tế có rất nhiều khó khăn, bất lợi, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thị trường của doanh nghiệp và có thể tác động tới thu ngân sách ngay trong quý IV và đầu năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Các thách thức khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến, như FDI đăng ký cấp mới 9 tháng chỉ bằng 57% so với cùng kỳ; ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn.

Rồi nguy cơ suy thoái tại Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều nước phát triển, các đối tác quan trọng của Việt Nam, ngày càng trở nên rõ ràng hơn; và do vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch…có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta, tạo áp lực lớn lên cân đối ngoại tệ.

Cùng với đó, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro...

“ Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 05 năm 2021-2025 là 6,5-7%/năm”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, tới đây, các cấp, các ngành cần nắm chắc tình hình, rất chủ động trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ, kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, điều hành giá và chính sách vĩ mô khác để giữ vững thành quả về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp theo mục tiêu đề ra.

Tin liên quan
Tin khác