Đầu tư
Kinh tế tăng trưởng bứt phá, lạm phát đang đặt áp lực lên nền kinh tế
Hà Nguyễn - 03/07/2022 08:24
Các chỉ số kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm, với con số tương ứng 7,72% và 6,42% đã khẳng định: kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã được duy trì và đang dần phục hồi. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến thực phẩm của Nhà máy CPV Food tại Bình Phước

Bất ngờ với tăng trưởng GDP

Số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tới 7,72% và 6 tháng là 6,42%, khiến không ít người bất ngờ. Tăng trưởng GDP có vẻ như đã vượt dự kiến. Trong đó, mức tăng trưởng 7,72% của quý II được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, là mức tăng trưởng cao nhất của các quý II trong 10 năm vừa qua (2011-2021).

Quan trọng hơn, mức tăng trưởng bứt phá này đã góp phần quan trọng kéo tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm lên 6,42%, cao hơn mức tăng 2,04% và 5,74% của 6 tháng đầu năm của hai năm Covid-19 2020-2021. “Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trong xu thế phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19, cao hơn kịch bản dự kiến hồi đầu năm”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.

Đầu năm 2022, khi Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành, kịch bản kinh tế 2022 đã được xây dựng. Theo đó, quý I, GDP tăng trưởng 4,9-5,4%, quý II tăng trưởng 5,4-5,9%, còn 6 tháng là 5,1-5,7%.

Như vậy, nếu quý I, tăng trưởng 5,03%, tuy vẫn trong khoảng dự báo, dù không đạt ngưỡng cao, thì tăng trưởng GDP quý II đã vượt dự báo, thậm chí đã cao hơn tới 1,82 điểm phần trăm so với ngưỡng cao của kịch bản. Còn GDP 6 tháng cao hơn 0,72 điểm phần trăm. Nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến.

“Khu vực công nghiệp, đặc biệt là chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã được duy trì và đang dần phục hồi”, bà Hương nói.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 5,07% vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, đóng góp 48,33%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, đóng góp 46,60%.

Nhìn vào số liệu thống kê, có thể thấy rõ, ngoài khu vực công nghiệp và xây dựng, sự phục hồi của khu vực dịch vụ đã hỗ trợ lớn cho tăng trưởng GDP quý II, cũng như 6 tháng đầu năm. Dấu mốc 15/3, thời điểm nền kinh tế mở cửa, có thể coi là bước ngoặt quan trọng của nền kinh tế. Du lịch khởi sắc trở lại, các hoạt động giao thương hàng hóa sôi động, sức mua dần phục hồi… là những nguyên nhân cơ bản góp phần đẩy tăng trưởng của khu vực dịch vụ lên cao so với cùng kỳ.

Quý II/2022, mức tăng của khu vực dịch vụ là 8,56%, đóng góp 48,59% vào mức tăng trưởng chung. 6 tháng, con số là 6,60%, cao hơn mức tăng 0,49% và 3,92% của cùng kỳ năm 2020 và 2021.

“Ban đầu, kế hoạch của chúng tôi là 6 tháng đầu năm sẽ đón được 4 triệu lượt khách, nhưng cuối cùng, con số đạt được là 5,5 triệu lượt. Cả năm, kế hoạch của Quảng Ninh là đón 10 triệu lượt khách”, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói và cho biết, cũng nhờ sự phục hồi mạnh của lĩnh vực dịch vụ, du lịch, GRDP của tỉnh đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm. Con số là 10,66%, cao hơn kịch bản đề ra 0,41 điểm phần trăm.

Địa phương tăng trưởng “ngoạn mục”, hỗ trợ lớn cho sự phục hồi

Quảng Ninh không phải là địa phương duy nhất có tốc độ tăng trưởng GRDP đáng ghi nhận trong nửa đầu năm. Có mặt tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2022, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngay trước khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt 3,82%.

Con số này, theo bà Mai, có thể không cao, song nếu nhìn vào mức giảm sâu tới -24,97% và -11,64% của quý III và quý IV/2021, có thể thấy, kinh tế - xã hội của TP.HCM đã phục hồi mạnh mẽ. Riêng quý II, tăng trưởng GRDP của Thành phố là 5,73%.

Trong khi đó, với sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, du lịch, tăng trưởng GRDP của TP. Đà Nẵng đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục, với 12,3% trong quý II, và 7,23% trong 6 tháng, trong khi quý I chỉ tăng trưởng 0,89%. Đà Nẵng, có thể nói, là một trong các địa phương có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, sau khi bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi Covid-19, vì trong cơ cấu kinh tế của Thành phố, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine mà tăng trưởng kinh tế của cả nước, tăng trưởng GRDP của nhiều địa phương đều cao như vậy là rất tốt. Đây chính là cái được của kinh tế 6 tháng đầu năm”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói.

Vị chuyên gia này nhắc đến những điểm sáng khác của nền kinh tế, như tăng trưởng GDP quý II ở mức cao, thương mại dịch vụ hồi phục tốt, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát sau 6 tháng mới chỉ ở mức 2,44%. “Tôi có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay. 6 tháng cuối năm nay, tăng trưởng GDP sẽ cao hơn 6 tháng năm ngoái”, ông Cao Viết Sinh nói.

Theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nhờ quyết định mở cửa từ ngày 15/3 và sự chuyển động tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp, mà nền kinh tế đã có được sự phục hồi ấn tượng trong nửa đầu năm. “Có thể năm nay, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức trên 7%, cá nhân tôi dự báo như vậy”, ông Cao Viết Sinh nói và cho rằng, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội bước đầu đi vào cuộc sống sẽ hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

Tuy vậy, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh vẫn nhắc đến sự phục hồi không đồng đều giữa các địa phương, cũng như sự phục hồi không đồng đều giữa các lĩnh vực. “Ở một số địa phương đóng vai trò động lực, sản xuất công nghiệp chưa hồi phục mạnh. Ví dụ ở TP.HCM, 6 tháng, khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 2,23%, chỉ cần khu vực này hồi phục và tăng trưởng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm, thì tăng trưởng GRDP của TP.HCM sẽ đạt mức cao hơn, hỗ trợ cho tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế”, ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Tốc độ tăng trưởng GDP 7,72% trong quý II và 6,42% trong 6 tháng đầu năm nay là rất tích cực cho thấy xu thế phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. 

Chực chờ rủi ro

Không chỉ các chuyên gia kinh tế trong nước, mà các chuyên gia nước ngoài cũng có cái nhìn tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm.

WB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 5,5% hồi đầu tháng 1/2022, 5,3% hồi tháng 5 lên mức 5,8% vào tháng 6/2022.

“Khả năng chống chịu của nền kinh tế rất tốt”, ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói và chia sẻ rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, khiến WB đã phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 từ mức 4,1% đưa ra rồi tháng 1/2022 xuống còn 2,9%, thì kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đó, nhất là khi theo dự báo, kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái, do tác động của xung đột Nga - Ukraine. “Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, điều đó khá rõ rồi, nhưng kết quả của 6 tháng chưa nói nhiều về 6 tháng cuối năm. Kinh tế thế giới hiện nay yếu tố bất định là rất lớn”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói.

Thực tế, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 tuy ở mức khá cao, song vẫn thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, thời điểm chưa có Covid-19. Theo ông Thành, hiện có nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Có dự báo khoảng 6%, nhưng cũng có dự báo chỉ trên dưới 5%.

“Nếu chỉ tăng trưởng 5%, mà lại trên nền tăng trưởng thấp của năm ngoái, thì kinh tế Việt Nam phục hồi rất chậm. Chúng ta cần có cả các kịch bản xấu và xấu hơn nữa, bởi rủi ro đang gia tăng”, ông Võ Trí Thành nói và nhắc đến sự đảo lộn về các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam.

Bày tỏ mối quan ngại rằng, trước là dịch bệnh, bây giờ rủi ro lớn nhất là xung đột Nga - Ukraine, không ai có thể đoán định được cuộc chiến này sẽ đi theo hướng nào, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh việc phải lường trước và có giải pháp để xử lý một loạt vấn đề của nền kinh tế, từ rủi ro lạm phát, tài chính, đến rủi ro trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu… “Cần phải quyết nhanh các giải pháp, gồm cả các giải pháp kiểm soát giá xăng dầu. Giờ rất nhiều doanh nghiệp ‘chết đứng’ vì giá xăng dầu, vì chi phí logistics”, ông Thành nói.

Có quan điểm tương tự, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhắc đến sự “gượng dậy” chưa đồng đều giữa các địa phương, dù nhìn vào các con số thống kê thì có thể thấy yên tâm về sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.

“6 tháng cuối năm, yếu tố bất định quá lớn, mà yếu tố bất định này không phải theo chiều hướng tạo cơ hội cho sự phát triển, mà là chực chờ rủi ro”, ông Thắng nói và khuyến nghị, cần có nhiều phương án, kịch bản để quá trình “gượng dậy” của nền kinh tế duy trì được đến 6 tháng cuối năm.

Đồng tình với các nhận định này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhắc đến sự không chắc chắn trong xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Bởi thực tế, sức ép lạm phát, giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào còn cao. Chưa kể, nguồn cung thế giới cũng chưa phục hồi…

“Vì thế, nguy cơ suy giảm tăng trưởng toàn cầu là hiện hữu và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, do có độ mở kinh tế lớn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Khi rủi ro còn lớn, gồm cả yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đang đặt áp lực lên nền kinh tế, sẽ cần quan tâm hơn tới các giải pháp điều hành. “Tuy là giải pháp trước mắt, song nên thiết kế từ tầm nhìn dài hạn”, ông Bùi Tất Thắng nói.

Vì vậy, giải pháp được các chuyên gia đề xuất không chỉ là bằng các chính sách tài khóa, tiền tệ, mà còn là các vấn đề về quy hoạch, tạo sự thay đổi căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, tái cơ cấu kinh tế…

“Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội”, đại diện IMF tiếp tục  nhấn mạnh điều này.

Tin liên quan
Tin khác