Thông tin vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2014, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, cho biết, những dấu hiệu tích cực hơn của nền kinh tế tiếp tục được ghi nhận trong tháng đầu tiên của năm mới 2014.
| ||
Dấu hiệu đi lên của nền kinh tế tiếp tục được ghi nhận trong tháng đầu năm mới 2014 |
Dễ thấy nhất, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 chỉ tăng 0,69% so với tháng 12/2013. “Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. CPI tháng Tết Nguyên đán tăng không cao là nhờ việc chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã cùng với việc sức mua tăng không cao (20-25% so với ngày thường), tập trung vào những ngày sát Tết. Việc tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá cũng góp phần ổn định thị trường và giá cả”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Số liệu thống kê cho thấy, CPI tháng 1 hàng năm thường tăng cao, vì đúng vào dịp Tết, sức mua tăng mạnh. Tháng 1 các năm từ năm 2010 đến nay, CPI các tháng 1 tăng lần lượt 1,36%; 1,74%; 1,0%; 1,25% và 0,69% so với tháng 12 năm trước.
“Đây là kết quả cho những nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong thời gian qua”, ông Cao Viết Sinh nói.
Cùng với giá cả được kiểm soát tốt, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp cũng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này là không cao, nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, tháng 1 năm nay trùng với hai dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, nên các so sánh với cùng kỳ năm trước, thậm chí so với tháng trước, như thông lệ các năm khác cũng vậy, khó phản ánh hết diễn biến tình hình kinh tế - xã hội.
Năm ngoái, Tết Nguyên đán rơi vào tháng Hai. Trong khi đó, năm nay, Tết Nguyên đán rơi vào tháng Một.
Tuy nhiên, để nhìn thấy điểm sáng của sản xuất công nghiệp, cũng có thể lấy chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm ngày 1/1/2014 để mừng. Cụ thể, chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày đầu tiên của năm mới chỉ tăng 2,1% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 7,3%) và tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ tăng 21,5%). Như vậy, đã có một sự cải thiện đáng kể về chỉ số này so với các năm trước và đây cũng có thể coi là tín hiệu đáng mừng, nhất là khi được hỗ trợ bởi sức mua đã khá hơn của nền kinh tế.
Tháng 1 năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng tới 13% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá, còn tăng khoảng 5,8%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 1%.
Bên cạnh đó, cũng phải tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, khi trong tháng 1/2014, đã đạt kim ngạch khoảng 10,3 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, tương ứng là 10,8% và 1,9%. Tuy nhiên, giảm xuất nhập khẩu là do Tết Nguyên đán rơi vào tháng Một.
Một chỉ số quan trọng khác, đã nhận được sự đánh giá cao của các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 1/2014, đó là vốn đầu tư phát triển có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giải ngân lũy kế từ đầu năm đến 15/01/2014 ước đạt 4,55 nghìn tỷ đồng, bằng 2,8% kế hoạch năm.
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong tháng 1/2014 ước đạt 465 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Còn vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 397,2 triệu USD, bằng 78,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nguồn vốn quý báu hỗ trợ lớn cho đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế thời gian qua, chỉ trong tháng đầu năm đã giải ngân 110 triệu USD, bằng 2,4% kế hoạch và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy khó có thể đánh giá trọn vẹn về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2014, vì tất cả các hệ so sánh khó cho được câu trả lời chính xác, song một thực tế rõ ràng và cũng đã được Chính phủ nhấn mạnh, đó là sự nhúc nhích đi lên của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng cao sẽ gây áp lực làm tăng CPI. Thêm vào đó, nghỉ Tết Nguyên đán khá dài phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực. Nhưng xuất khẩu sẽ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi; tiêu thụ sẽ từng bước được cải thiện.
“Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải cụ thể hóa và quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp lớn đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, cũng như triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ...”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Hà Nguyễn