Thực tế, điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong buổi làm việc với một số bộ, ngành vào ngày 30/5, ngay trước phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, cơ quan quản lý không được chủ quan, không bị động trong chỉ đạo điều hành, nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, kiên quyết giữ vững các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trước đó một tuần, sau những thông tin về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 tiếp tục xu hướng tăng, Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đã nhóm họp. Và quan điểm thống nhất đã được đưa ra. Đó là công tác điều hành giá năm 2016 sẽ gặp nhiều thách thức hơn năm 2015. Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 5/2016 tăng 0,54% so với tháng trước đó và tăng 1,88% so với tháng 12/2015, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại trước xu hướng lạm phát tăng trở lại.
. |
Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đưa ra dự báo rằng, lạm phát năm nay có thể vượt qua cả mục tiêu điều hành 5%, tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguyên nhân dẫn tới lạm phát được nhắc tới nhiều nhất là các vấn đề liên quan đến chi phí đẩy, đặc biệt là việc điều hành các dịch vụ công theo cơ chế thị trường, cũng như điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục... Các chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng cũng là một trong những nguyên nhân được cho là sẽ tác động mạnh tới lạm phát những tháng tới đây.
Thực tế này đã đặt ra những đòi hỏi bức thiết về việc điều hành giá một cách cẩn trọng, chính xác. Một quyết định điều chỉnh giá dịch vụ hay các mặt hàng thiết yếu vào thời điểm không hợp lý sẽ ảnh hưởng lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát của toàn nền kinh tế. Cũng bởi vậy, trong phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều hành nhằm kiểm soát lạm phát ở mức 4-5% trong năm nay.
Trong các giải pháp này, việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, hay xây dựng các kịch bản điều hành giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới, điều hành giá kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá mặt hàng này để kiềm chế mức tăng giá tác động tới lạm phát… đã được tính đến. Thậm chí, việc xây dựng và tính toán kịch bản về phương án điều chỉnh giá điện theo lộ trình thị trường, trong đó có báo cáo cụ thể về giá thành, giá bán, lỗ lãi, các khoản còn treo… cũng được chỉ đạo phải sớm báo cáo Chính phủ.
Tương tự, là các biện pháp điều hành giá dịch vụ y tế, giáo dục, thậm chí cả phí BOT… Các chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành ra sao cũng được chỉ đạo tập trung nghiên cứu.
Theo kế hoạch thì tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016 diễn ra ngày hôm nay (1/6), các giải pháp điều hành giá này sẽ được đệ trình Chính phủ để thảo luận nhằm tìm ra giải pháp thích hợp trong tình hình hiện nay.
Trong nhiều năm liền, Việt Nam đã phải đối mặt với lạm phát cao, đặc biệt là trong những năm 2008, 2011, gây bất ổn về kinh tế vĩ mô. Tình hình đã khá hơn trong những năm gần đây, khi lạm phát xuống thấp, thậm chí năm ngoái chỉ còn 0,63% sau khi ở mức 1,84% vào năm 2014. Do vậy, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt biến động giá cả, thì phải rất thận trọng và linh hoạt trong điều hành giá cả thị trường cho dù chưa phải quá lo lắng về lạm phát.