Trong quý II/2021, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và 1,3% so với quý trước. Ảnh: AFP |
Số liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay 18/10 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters rằng mức tăng trưởng này sẽ đạt 5,2%.
Cũng theo số liệu công bố chính thức hôm nay, sản xuất công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng 3,1% trong tháng 9, thấp hơn mức tăng kỳ vọng là 4,5%.
"Bắt đầu từ quý III, các rủi ro trong nước và nước ngoài cùng với thách thức đều tăng lên", ông Fu Linghui, người phát ngôn Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc nêu tại buổi họp báo hôm 18/10. Theo đánh giá của ông Fu Linghui, tình trạng thiếu điện đã "ảnh hưởng nhất định" đến hoạt động sản xuất bình thường tại Trung Quốc, nhưng các tác động đến nền kinh tế vẫn có thể kiểm soát được.
Nhiều nhà máy phải phải ngừng sản xuất vào cuối tháng 9 khi giá than tăng cao giữa lúc thiếu điện. Điều này đã buộc các nhà chức trách địa phương ở Trung Quốc phải cắt điện đột ngột.
Mặt khác, số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy hoạt động rót vốn vào các dự án của doanh nghiệp cũng đã "hạ nhiệt". Đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng được dự báo là 7,9%.
Ông Chaoping Zhu, nhà phân tích thị trường toàn cầu tại Quỹ quản lý tài sản JP Morgan đánh giá, hoạt động đầu tư tại Trung Quốc kém sôi động là do các điều kiện tín dụng bị siết chặt. Chuyên gia này ước tính, đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc trong tháng 9 bị kéo giảm 2,5% so với năm ngoái, chủ yếu do đầu tư bất động sản giảm 3,5%.
Bất động sản và các ngành liên quan đến bất động sản đóng góp 1/4 GDP của Trung Quốc, theo ước tính của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s. Nhưng trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã thắt chặt chính sách để hạn chế sự phụ thuộc của các nhà phát triển bất động sản vào khoản vay.
Đáng ngại nhất là Evergrande, doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc xét về doanh số. Ước tính các khoản nợ của Evergrande đã vượt 300 tỷ USD và mới đây nhất tập đoàn này đã phớt lờ thanh toán lãi suất trái phiếu bằng USD đến hạn vào ngày 11/10 vừa qua.
Giới đầu tư lo ngại Evergrande có thể đi theo vết xe đổ của Tập đoàn tài chính Mỹ Lehman Brothers. Tuy nhiên, những rủi ro từ Evergrande là "có thể kiểm soát được", ông Zou Lan, Vụ trưởng Vụ thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định tại cuộc họp báo cuối tuần trước.
"Các vấn đề của Evergrande trong ngành bất động sản Trung Quốc là một hiện tượng đơn lẻ", ông Zou Lan cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp bất động sản của nước này vẫn hoạt động ổn định.
Về triển vọng tăng trưởng, kể từ tháng 8 đến nay đã có 10 ngân hàng lớn trên thế giới đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc. Họ dự báo mức tăng trưởng trung bình năm 2021 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là 8,2%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Lý giải cho động này, các ngân hàng quốc tế cho rằng, việc nhiều địa phương tại Trung Quốc cắt điện đột ngột trên diện rộng trong quý III cùng với sự suy giảm của thị trường bất động sản có thể kéo giảm tăng trưởng của nền kinh tế này.
Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura đưa ra mức dự báo thấp nhất đối với kinh tế Trung Quốc với mức tăng trưởng 7,7% trong năm 2021, trong khi DBS - ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á - có mức dự báo tăng trưởng cao nhất là 8,8%.
Trong quý II/2021, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và 1,3% so với quý trước.