Luồng sinh khí mới
Nền kinh tế Việt Nam đã khởi đầu năm 2018 khá ấn tượng với mức tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38 % trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đánh giá của ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhân tố tạo động lực tăng trưởng trong thời gian qua là do công cuộc cải cách được tiến hành đồng bộ với những biện pháp quyết liệt; môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, chính sách kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt và được phối hợp chặt chẽ; nhiều chính sách mới, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của nền kinh tế đã bước đầu đi vào cuộc sống.
Đây có thể coi là thành quả ngoài mong đợi khi tính ra mới chưa đầy một năm từ Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với việc ra đời hai nghị quyết có thể coi là bước chuyển biến lớn trong đánh giá và nhận thức của Đảng, Nhà nước và nhân dân về vai trò và động lực của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước.
Trong khi Nghị quyết 10-NQ/TW cho rằng: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”.
Đồng thời đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Thì Nghị quyết 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ban hành cùng trong dịp này cũng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến”.
Hai văn kiện về chủ trương và định hướng xây dựng đất nước của Đảng đã tiếp cận những thành quả và tiến bộ trong tư duy kinh tế của nhân loại, là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách, điều hành, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế.
Cùng với sự ra đời của hai văn kiện này, kinh tế tư nhân đã được thổi vào một luồng sinh khí mới, hồi sinh mạnh mẽ, trở về với vai trò, vị trí mà vốn nó phải thuộc về. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhìn nhận, “sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí vài trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những động lực và đến nay là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta”.
Đã xuất hiện những gam màu sáng
Mặc dù các chính sách phát triển kinh tế tư nhân còn cần tiếp tục được hoàn thiện, nhưng những kết quả đạt được trong những tháng gần đây cho thấy Nghị quyết 10-NQ/TW đã dần đi vào cuộc sống.
Tuyên bố của Đảng về chăm lo khu vực kinh tế tư nhân đã được Chính phủ nhận thức và chuyển hóa thành chương trình hành động nhanh và quyết liệt thực sự, đó là xây dựng “nhà nước kiến tạo phát triển” mà trục chính là “Chính phủ hành động”.
Với cách hành động quyết liệt, liên tục tạo áp lực cải cách thể chế lên các bộ ngành, cổ động mãnh mẽ công cuộc khởi nghiệp dựa trên nền tảng đổi mới – sáng tạo, thúc đẩy việc chuyển hướng phát triển nền nông nghiệp gắn với công nghệ cao huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, xây dựng du lịch thành ngành mũi nhọn đúng nghĩa, mở ra các diễn đàn thảo luận rộng rãi về cách mạng 4.0, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với nội dung tái cơ cấu thực chất… Chính phủ đã bước đầu đạt được những thành công, mở ra một động thái tăng trưởng và phát triển kinh tế mới, tạo lòng tin và cảm hứng phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Nhận xét về sự phát triển của kinh tế tư nhân, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khu vực này đang dần chứng tỏ được năng lực của mình. “Minh chứng có thể thấy rõ nhất là tăng trưởng năm 2017 đã không còn quá lệ thuộc vào đầu tư công và sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước nhờ có sự “bù đắp” bằng nguồn vốn tư nhân, trong đó tư nhân trong nước đóng vai trò nổi bật”, ông Thiên cho biết.
Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nhìn vào bức tranh kinh tế tư nhân hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của một khu vực năng động và nổi bật với một số lượng lớn ba, bốn thế hệ doanh nhân biết tiến bước để thành công.
“Đó là một phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ khi chỉ trong vòng hai năm 2016, 2017, đất nước đã chứng kiến một lượng doanh nghiệp mới thành lập đạt kỷ lục, đưa số doanh nghiệp tư nhân lên gần 700.000. Đó là số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi trong hai năm. Đó là hàng chục quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã vào hoạt động tại Việt Nam; nhiều định chế tài chính, các tập đoàn và các nhà đầu tư đang tích cực tham gia huy động sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Thành phân tích về sự năng động của khu vực tư nhân.
Cùng với đó, năm 2018, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, đưa con số tỷ phú của Việt Nam lên con số 4 với lượng tài sản hơn 10 tỷ USD và dự báo số lượng tỷ phú sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ý nghĩa hơn nữa, đằng sau sự thành công của các tỷ phú cũng chính là sự lớn mạnh của các “sếu đầu đàn” trong khu vực tư nhân.
Những tập đoàn tư nhân giờ đã đủ khả năng mở rộng kinh doanh đa ngành như bán lẻ, nông nghiệp công nghệ cao, bệnh viện, trường học, du lịch… với chất lượng cao, tạo được lòng tin với người tiêu dùng. Các công trình lớn, phức tạp về địa hình và công nghệ đòi hỏi năng lực về vốn đầu tư, trình độ chuyên môn trước đây vốn chỉ được giao cho doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm thì nay cũng đang được chuyển dần sang khối tư nhân. Đẳng cấp, vai trò và tư cách đàng hoàng của kinh tế tư nhân rõ ràng đang ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, chưa vội hài lòng với thành công, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn liên tục có động thái cảnh tỉnh các bộ, ngành, địa phương, kêu gọi cần phải liên tục có sự hành động, cần nỗ lực hành động hơn nữa, hướng tới mục tiêu Đảng đã đề ra, đó là kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, dù bộn bề công việc, Thủ tướng vẫn đích thân chủ trì hàng loạt hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
“Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Đừng để “trên nóng, dưới lạnh”
Kinh tế tư nhân Việt Nam, theo đó là triển vọng nền kinh tế thị trường Việt Nam đang đứng trước vận hội mới, rất sáng sủa. Nhưng căn cứ vào thực tiễn phát triển của Việt Nam, PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng, không thể không có đôi điều cảnh báo.
“Thực tiễn phát triển nói lên rằng mọi sự hứng khởi phát triển ở Việt Nam đều có nguy cơ dẫn tới sự quá đà. Vấn đề ở chỗ, bản chất của sự hứng khởi đó cho đến nay vẫn xuất phát nhiều từ cách làm theo kiểu phong trào hơn là từ tinh thần cạnh tranh. Mà đã phong trào thì xu hướng chung là hạ thấp các tiêu chuẩn xuống để cho đông đảo người có thể tham gia chứ không phải nâng cao các tiêu chuẩn để gây áp lực cạnh tranh. Phong trào dễ bốc, dễ thành say sưa vì thắng lợi, hầu như ngược với tinh thần thị trường”, ông Thiên cho biết.
Ông Thiên cũng đưa ra nhận xét, nhìn tổng thể, lực lượng kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn còn khá yếu, nhất là khi đặt nó đối mặt với các yêu cầu hội nhập quốc tế. “Nếu không có một Chương trình quốc gia phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt được thiết kế chặt chẽ, gắn chặt với trách nhiệm thực thi của các tổ chức và cá nhân được xác định rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể trỗi dậy và đứng vững”, vị Viện trưởng cảnh báo.
Cùng với nỗi lo đó, hiện hữu một nỗi lo khác mà theo các chuyên gia kinh tế cho rằng, đang là lực cản chính cho sự phát triển của khối tư nhân, đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Theo đó, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ quyết liệt, quyết tâm nhưng bộ máy bên dưới thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ.
Theo GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, để phát triển kinh tế tư nhân nhằm mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 60-65% GDP thiết nghĩ không cần bàn nhiều về giải pháp, vì nghị quyết của Đảng, chủ trương của nhà nước và của Chính phủ đã đề ra khá chuẩn xác hệ thống giải pháp, đã luật hóa nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi.
“Do đó vấn đề quyết định là hành động nhất quán và quyết liệt theo hướng cải cách bộ máy và công chức nhà nước, trong đó như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, Bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động của mỗi cơ quan, khuyến khích văn hóa từ chức đối với những người không hoàn thành chức trách; xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với cá nhân cố tình duy trì thủ tục và hành vi đã bị loại bỏ. Mỗi khi vai trò cá nhân được đề cao thì tinh thần trách nhiệm cũng được nâng lên, do vậy mọi chủ trương cải cách mới thành công được”, ông Mại nhận xét.
Cải thiện thể chế, chính sách là một quá trình, dù còn một số bất cập, nhưng với kết quả đã đạt được trong thời gian qua, hoàn toàn có thể tin tưởng Việt Nam đang đi trên đúng hành trình, hành trình đi đến thịnh vượng của dân tộc.