Đầu tư
Kinh tế tư nhân Việt Nam: Bước xoay trở phi truyền thống và niềm kiêu hãnh dân tộc - Bài 3: Đôi bàn tay cùng nhịp vỗ
Khánh An - 07/06/2019 09:21
Đang có những bước chân mạnh mẽ, chứa đựng sức vươn bản năng và cả niềm kiêu hãnh dân tộc của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong nền kinh tế. Tương lai của Việt Nam sẽ được định hình bởi những thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt lớn và mạnh, sẵn sàng so mình với thế giới, đi cùng với thế giới. Chỉ có điều, các bước xoay trở này đang cần thêm sự hậu thuẫn bởi môi trường lành mạnh, tư duy quản lý nhà nước hiện đại, chấp nhận cái mới để bứt phá.
Vingroup đang là đại diện tiêu biểu của doanh nghiệp Việt sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. Trong ảnh: Bên trong Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng .

Bài 3: Đôi bàn tay cùng nhịp vỗ

Dù đã kích hoạt nhiều vùng đất hoang vu bằng sự xoay trở sáng tạo và cả niềm tự hào dân tộc, nhưng sự nỗ lực của riêng khu vực kinh tế tư nhân không làm thay đổi cách thức phát triển của nền kinh tế. Lúc này, bàn tay của Nhà nước có ý nghĩa quyết định.

Tư nhân hiến kế hay những trăn trở thôi thúc

Chữ “nếu” của ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup trong bài hiến kế tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 (hồi đầu tháng 5 vừa rồi), trước sự có mặt của đại diện Chính phủ, các bộ, ngành thực sự mang nhiều thông điệp.

Ông nói: “Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm, nếu sẵn sàng đổi mới, sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại”.

Vingroup đang là đại diện tiêu biểu của doanh nghiệp Việt sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. Tiền thân của tập đoàn này là Technocom, công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng được thành lập năm 1993 tại Ukraine, trở về Việt Nam những năm 2000 qua 2 công ty là Vincom và Vinpearl, hoạt động chủ yếu trong du lịch khách sạn, bất động sản. Năm 2011, Vingroup được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai công ty trên, bắt đầu hành trình tạo nên sức mạnh của hệ sinh thái Vin - Vincom, Vinmec, Vinmart, Vinschool…

Năm 2017, Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng được khởi công, mở màn cho chiến lược thay đổi toàn diện, trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại và dịch vụ đẳng cấp quốc tế mà Vingroup công bố 1 năm sau đó. Hệ sinh thái Vin được nối dài bằng VinFast, VinSmart và VinTech, cùng những ảnh hưởng lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh, xã hội và cả hành vi tiêu dùng.

.

Trung tuần tháng 6 này, với lễ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch, thương hiệu Việt này đang làm nên kỷ lục mới trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, chỉ mất 21 tháng cho toàn bộ quá trình khởi công, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và vận hành…

Với vị thế và tiềm lực như vậy, nếu Vingroup còn thấy nhiều ngập ngừng, thì đó là điều đáng ngại. Và không chỉ Vingroup cảm thấy như vậy.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về hiện trạng này trong bức tranh kinh tế, với tên gọi “sự bất ổn của kinh tế tư nhân”. “Phải nói là doanh nghiệp tư nhân đã kích hoạt nhiều vùng đất hoang vu, nhưng sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn bất ổn, còn nhiều méo mó”, ông Thiên nói.

Nguyên tắc đơn giản, hai tuyến chính tạo nên môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển (một là cấu trúc thị trường, hai là không gian chính sách) nếu lành mạnh, minh bạch, thì khu vực tư nhân được điều chỉnh bởi nguyên tắc của thị trường. Trong quá trình đi tìm lợi nhuận, họ nhìn ra cái thị trường thiếu, có cơ hội tham gia thị trường một cách thuận lợi, chi phí thấp, an toàn, để cung cấp cho đủ nhu cầu thị trường, từ đó tạo ra việc làm và những lan tỏa khác tới cộng đồng, xã hội.

Với doanh nghiệp quy mô lớn, sự lan tỏa còn ở khía cạnh tạo ra chuỗi liên kết phát triển, thúc đẩy đổi mới công nghệ, từ đó kéo theo khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua cạnh tranh, phát triển.

“Cách đây vài năm, tôi đã đề xuất cần phải tập trung vào khu vực doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, thậm chí là cơ chế khuyến khích, để qua họ, nguồn lực sẽ đổ vào những ngành, lĩnh vực và cả doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chuỗi, thay vì cắt lát các đồng tiền hỗ trợ như hiện tại cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng, có vẻ tâm lý kỳ thị doanh nghiệp tư nhân lớn vẫn còn lẩn khuất, các thị trường chưa được vận hành đầy đủ, các thiết chế nhà nước không thực sự sẵn sàng để tạo nên những trụ cột, khiến sự phát triển của kinh tế tư nhân rủi ro, thậm chí là méo mó”, ông Thiên trăn trở.

Bàn tay nhà nước ở đâu?

Cuối cùng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng gần đạt mong muốn. Sau khi Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến giao Dự án nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất cho ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản đồng tình. Mọi việc chỉ đợi Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong các lý do ACV được đề cử, việc ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, đã được giao quản lý, vận hành 21 sân bay rất hay được nhắc đến, cả từ phía lãnh đạo ACV và cơ quan quản lý. Nhưng đó lại là điều ám ảnh ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

“Giá như lãnh đạo ACV nói được rằng, giao cho họ, họ sẽ làm nhanh nhất, sẽ có các phương án làm nhanh nhất, cả đề xuất thay đổi về quy trình, thủ tục..., vì không thể để một cửa ngõ quan trọng lại chật chội, xấu xí như vậy. Được vậy, tôi sẽ không phải đặt thêm câu hỏi, sao không để doanh nghiệp tư nhân làm”, ông Cung tâm tư. 

Bỗng nhiên, vị chuyên gia kinh tế như ông Cung trở nên... duy tình. Nhưng mọi việc đều có lý do. Sự chậm trễ trong thực hiện các dự án của doanh nghiệp nhà nước gần như được dự báo trước, vì quy trình, thủ tục và cả sự chậm chạp thường thấy trong phối hợp giữa các bộ, ngành. Trong trường hợp này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ ra văn bản trên sau khi Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản đề nghị Thủ tướng thúc giục…

Trong tư duy cải cách của ông Cung, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước phải nhìn vào tốc độ của khu vực tư nhân để thấy không thể bình chân hơn nữa.

Thực tế, khi phân tích các bài học từ thành công trong kỷ lục mà Sun Group thực hiện với Sân bay Vân Đồn, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhắc tới 2 bài học. Đó là, dự án kéo dài thời gian là không chấp nhận được, có tiền không tiêu được là lãng phí, phải xem lại quy trình, thủ tục, xem lại đầu mối, công đoạn. Và các tập đoàn tư nhân trong nước có khả năng xây dựng các công trình tốt, công trình lớn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng nói, nếu phát huy tốt tiềm lực, thì các tập đoàn tư nhân hoàn toàn có thể góp phần phát triển hạ tầng giao thông một cách nhanh chóng.

“Sao lại là nếu. Khu vực tư nhân đã thay đổi, muốn thay đổi nhanh hơn. Họ cần sự hậu thuẫn của không gian chính sách và lớn hơn là tư duy chính sách. Sự chậm trễ trong thay đổi tư duy của Nhà nước là có lỗi với kinh tế tư nhân”, ông Cung bày tỏ quan điểm.

Cho tới thời điểm này, GDP của nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào thành phần kinh tế nhà nước (đóng góp khoảng 28%) và kinh tế hộ gia đình (đóng góp khoảng 32%). Doanh nghiệp tư nhân trong nước, đáng ra phải là động lực đóng góp chủ yếu vào GDP, thì sau 30 năm đổi mới, chỉ tham gia chưa đầy 10%.

Trong số này, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa quá ít (chỉ khoảng 1,7%), quá lâu không đổi, tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng và cũng là sự chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam lớn chậm, lớn khó. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không muốn lớn. Khu vực phi chính thức không muốn chuyển thành doanh nghiệp, chấp nhận cuộc chơi tranh tối, tranh sáng.

Chân dung các tập đoàn tư nhân còn khó nói hơn, quy mô lớn còn ít, chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản, ít định hướng đầu tư sản xuất; lớn nhờ đầu cơ, chứ không phải nhờ đầu tư và cạnh tranh quốc tế.

Sự tồn tại quá lâu của tình trạng thiếu niềm tin vào kinh tế tư nhân, hay cách phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “chọn người thắng”, ngược lại với nguyên tắc “khuyến khích người thắng” khiến doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn, bị loại khỏi cuộc chơi, không có môi trường tốt để phát triển.

Nhưng giới nghiên cứu còn lo lắng hệ quả khác. Đó là, kinh tế nhà nước không chỉ chèn lấn trực tiếp, mà còn tranh chấp cơ hội kinh doanh, tiếp cận tài chính, tín dụng với kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh này, để an toàn cho các tài sản của mình, doanh nghiệp tư nhân buộc phải thiết lập các mối quan hệ, trở thành thân hữu…

Nhưng, việc giải bài toán thân hữu lại nằm trong tay Nhà nước.

“Hai mươi năm trước, Nhà nước rút chân, trả chỗ thị trường, tháo bỏ rào cản là doanh nghiệp có thể sống được. Nhưng hiện tại, quyết định thành công của doanh nghiệp là ý tưởng, sáng tạo, là sản phẩm mới, công nghệ mới, cách đi mới thì Nhà nước phải nghĩ khác, làm khác, phải kiến tạo, thì mới có dư địa cho kinh tế tư nhân”, ông Cung thẳng thắn.

Vẽ bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam

Lịch sử phát triển của thế giới đều cho thấy, không quốc gia nào trở nên thịnh vượng nếu không có một khu vực tư nhân phát triển lành mạnh. Nền kinh tế Việt Nam cũng vậy, đang cần những người kinh doanh chính trực, bản lĩnh với niềm kiêu hãnh dân tộc ẩn chứa…

Hơn 700.000 doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và hàng chục ngàn start-up đang xoay trở để vẽ bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam khi bắt tay khởi nghiệp, hiện thực hóa tinh thần kinh doanh trong người, chắc chắn cũng mong muốn điều này…

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác