Xu thế tất yếu
Tại Hội nghị “Không chôn lấp chất thải trong nền kinh tế tuần hoàn”, được tổ chức bởi INSEE Ecocycle Việt Nam vừa qua, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo trong ngành đã thảo luận về mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là các ứng dụng thực tiễn của mô hình này trong hoạt động quản lý chất thải hiệu quả và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm.
Ông Philippe Richart, Tổng giám đốc Công ty INSEE Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Hiện tại, con người đang sống trong nền kinh tế tuyến tính, nơi hàng hóa được sản xuất từ tài nguyên thiên nhiên, được bán ra thị trường, được tiêu thụ và sau đó thải loại ra môi trường. Mô hình kinh tế tuyến tính sẽ dẫn đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ và tạo ra một lượng chất thải khổng lồ. Vì vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn đưa ra các khái niệm giúp các doanh nghiệp áp dụng để thay thế quy trình sản xuất hiện tại thành một chu trình sản xuất và tiêu thụ khép kín, các chất thải thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, sẽ được “hồi sinh”, trở thành nguyên liệu cho sản xuất và một lần nữa tham gia vào vòng đời sản phẩm.
Theo ông Phạm Hoàng Hải (Trưởng ban Ban Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam), một doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có cơ hội vừa giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, vừa tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn hứa hẹn mang lại cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD. Mô hình kinh tế mới này cũng hỗ trợ cắt giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện thành công Thỏa thuận Paris COP21, cũng như những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong thực tế
Không những nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, Hội nghị còn chia sẻ những câu chuyện ứng dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp lớn. Trong đó, có thể kể đến Nestlé Việt Nam với quy trình xử lý chất thải hiện đại, tiên tiến, quy trình kiểm soát minh bạch, đặt trọng tâm vào tái chế và tái sử dụng.
Một số dự án tiêu biểu về tái chế chất thải của Nestlé là sản xuất gạch không nung từ rác thải lò hơi, chế biến phân bón từ bùn thải không nguy hại và sử dụng vỏ hộp sữa làm tấm lợp sinh thái. Ngoài ra, Nestlé đã công bố kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025.
Tương tự, Công ty NS BlueScope Việt Nam, thành viên của tập đoàn thép hàng đầu thế giới BlueScope, cũng giới thiệu thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn của mình, bao gồm: tiết giảm, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế. Trong đó ý tưởng tái sản xuất sản phẩm tua-bin gió bằng thép của Công ty đã thực sự gặt hái được nhiều thành công: tỷ suất hoàn vốn tăng đáng kể, giá thành sản phẩm đến tay khách hàng rẻ hơn 25-50%, tiết kiệm 80% năng lượng và rút ngắn thời gian sản xuất.
Bản thân Công ty INSEE Ecocycle - thương hiệu xử lý chất thải hàng đầu Việt Nam, với vai trò là Ban Tổ chức hội nghị, cũng là một mô hình kinh tế tuần hoàn được ứng dụng thành công trong thực tế. Trong suốt 10 năm hoạt động, INSEE Ecocycle đã xử lý an toàn, triệt để hơn 1 triệu tấn chất thải, giảm hơn 1 triệu tấn khí thải nhà kính.
Với công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng, INSEE Ecocycle vừa tạo nguyên liệu và thu hồi nhiệt để sản xuất xi măng cho chính mình, vừa cung cấp cho hơn 250 đối tác là các tập đoàn lớn trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam một giải pháp xử lý chất thải hiệu quả và bền vững hơn phương pháp đốt và chôn lấp thông thường.
Ông Philippe Richart, Tổng giám đốc Công ty INSEE Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị: “Trong suốt 10 năm qua, INSEE Việt Nam đã đầu tư gần 900 tỷ đồng vào các giải pháp xử lý chất thải và chúng tôi cam kết với mục tiêu duy trì vị trí dẫn đầu ngành xử lý chất thải tại Việt Nam. Sự tin tưởng của khách hàng đã tạo động lực cho chúng tôi liên tục cải thiện dịch vụ, cũng như đầu tư vào các thiết bị và quy trình hiện đại. Chúng tôi tin rằng, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu mọi thứ chúng ta tạo ra đều góp phần làm cuộc sống thêm phần đáng sống”.
Những câu chuyện tiếp cận kinh tế tuần hoàn nêu trên là một động lực thúc đẩy cho các cá nhân, doanh nghiệp cùng bước vào hành trình xây dựng và tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược kinh doanh của mình, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.