Kỳ I: Vì sao tái cấu trúc kinh tế chưa đạt kỳ vọng?
Tuy mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 năm tới cao hơn 3 năm 2011- 2013, nhưng kể cả khi sẽ được thực hiện, thì trong 9 năm (2007 - 2015), tốc độ tăng trưởng của nước ta chỉ bằng khoảng 75% mức đã đạt được trong những năm 2001 - 2006, bởi vì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2000 - 2006 khoảng 7,5% và giai đoạn 2007 - 2015 chỉ 5,9%.
| ||
Giải cứu doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đ.T |
Việc kéo dài tình trạng giảm sút tốc độ tăng trưởng gần một thập niên của nền kinh tế đang trong thời kỳ công nghiệp hóa như ở nước ta đã gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng, mà mấy năm gần đây đã bộc lộ rõ, như thu nhập thực tế của dân cư giảm sút, tác động tiêu cực đến sản xuất; số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán biến động theo chiều hướng tiêu cực.
Liệu có cần thiết và có khả năng gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hay không là vấn đề rất đáng được bàn thảo.
Thiết nghĩ, trong khi vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thì cần thay đổi cách tiếp cận mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng phát hiện dư địa để kích thích tăng trưởng trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Báo cáo kinh tế năm 2013 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với chủ đề “Thách thức còn ở phía trước” nhận định: “Có thể nói, nguyên nhân cơ bản là nền tảng tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế chưa có những thay đổi tích cực do kết quả quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế còn hạn chế”.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, “thể chế yếu kém chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những bất ổn của nền kinh tế và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay”. Theo nhóm nghiên cứu này, trong 4 động cơ tăng trưởng, thì 3 động cơ “nội” (gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp) đang trục trặc; chỉ có một động cơ “ngoại” (khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) đang chạy tốt.
Trong bài tham luận tại Hội thảo ngày 22/11 của các diễn giả Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong và Bình Phan có nêu: “Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GDP khoảng 22,93% trong giai đoạn 2000 - 2006, đến giai đoạn 2007 - 2012 giảm xuống còn 6,44%... Năm 2000, sản xuất ra 10 đồng tạo ra trên 4 đồng giá trị gia tăng, thì đến giai đoạn hiện nay chỉ tạo ra khoảng 3,5 đồng giá trị gia tăng”.
Chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI, đầu năm 2011 về việc “Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới” mặc dù đã được Chính phủ chỉ đạo khá tích cực, nhưng đã trải qua 3 năm, hơn một nửa nhiệm kỳ đại hội mà “trong thực tế cũng chưa ghi nhận được những tiến bộ nào đáng kể của quá trình tái cơ cấu ở 3 lĩnh vực then chốt (đầu tư công, ngân hàng thương mại và khu vực DNNN). Không những thế, điều kiện tiền đề để tái cấu trúc (thay đổi tư duy và cải cách thể chế) cũng chưa có tiến triển tích cực. Thiết kế và vận hành thể chế chưa thực sự “dung hợp” để có thể phân bổ nguồn lực nền kinh tế có hiệu quả” như đã được nêu ra tại Báo cáo kinh tế năm 2013 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đó chính là dư địa và tiền đề có tính quyết định của việc cải thiện tình hình kinh tế Việt Nam.
Vấn đề là, cần tìm ra nguyên nhân vì sao câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới và hoàn thiện thể chế chưa đem lại kết quả kỳ vọng.
Mỗi vấn đề đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng khi một chủ trương quan trọng của Đảng mà đã gần 2/3 nhiệm kỳ đại hội vẫn chưa được thực hiện tốt, thì trước hết, cần nhìn lại sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ, chính quyền địa phương và phương thức hành động của doanh nghiệp để đổi mới đồng bộ cả hệ thống cơ chế vận hành theo hướng xác định rõ thời gian nhất định phải tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước, quy rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp về việc đổi mới thể chế và tái cấu trúc theo mô hình tăng trưởng mới. Khi đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả khi bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh, phải gắn với việc thực hiện mục tiêu tái cấu trúc và đổi mới thể chế.
Sự chuyển động tình hình kinh tế năm 2014 và 2015 cũng như của 5 năm tiếp theo (2016 - 2020) phụ thuộc rất lớn vào việc đổi mới thể chế và tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.
Đón xem Kỳ II: Kích hoạt động lực tăng trưởng
GS - TSKH Nguyễn Mại