Thời sự
Kinh tế Việt Nam: Không quá ngại với các dự báo tăng trưởng
Thành Trang - 14/04/2017 07:43
Mặc dù các tổ chức quốc tế đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam thấp hơn mục tiêu 6,7%, nhưng các chuyên gia quốc tế vẫn đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm qua (13/4), tổ chức này đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 là 6,3%, lạm phát dự kiến khoảng 4%.

“Triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do cầu sức mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Áp lực lạm phát nhìn chung ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm”, báo cáo của WB đánh giá.

.

Có thể thấy, con số tăng trưởng mà WB đưa ra thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đã được Quốc hội thông qua là 6,7%.

Điều này tương tự với dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra đầu tuần này, với mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay ở mức 6,5%.

Tuy nhiên, theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Việt Nam nên chú trọng chất lượng tăng trưởng, thay vì quá để ý vào các con số.

Theo các chuyên gia của WB, mặc dù tốc độ tăng GDP năm 2016 thấp hơn so với năm 2015 và kế hoạch năm 2016, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm trong ngành nông nghiệp và khai khoáng, trong khi sản lượng chế tạo - chế biến và dịch vụ tăng trưởng tốt, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh.

Về thị trường lao động, WB cho rằng, thị trường này tiếp tục phát triển, tạo điều kiện cải thiện tổng phúc lợi và tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm. “Gần một triệu người dân rời nông thôn để tìm kiếm việc làm, chủ yếu trong các ngành công nghiệp và xây dựng và một phần trong các ngành dịch vụ”, báo cáo của WB nêu rõ.

Đồng quan điểm với WB, ADB cũng đánh giá, sự tăng trưởng mạnh trong ngành công nghiệp và dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì, trong khi sản lượng nông nghiệp và khai khoáng tăng nhẹ cũng đóng góp thêm vào tăng trưởng kinh tế.

ADB lạc quan cho rằng, tăng trưởng ngành dịch vụ sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2017 và 2018, với lượng khách du lịch tiếp tục gia tăng nhờ có chiến dịch quảng bá du lịch điện tử mà Chính phủ đã triển khai gần đây. Ngành nông nghiệp dự báo sẽ có sự cải thiện trong năm 2017, với triển vọng giá lương thực toàn cầu tăng và tình hình thời tiết trở lại bình thường.

“Đầu tư tư nhân những tháng đầu năm tăng rất cao so với trước đây, có thể nói là cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng mạnh so với các quý trước. Điều này chứng tỏ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã minh bạch hơn, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn. Đây là điểm sáng mà Chính phủ cần phát huy”, ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế đánh giá.

WB đưa ra nhận định, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực, nhưng những rủi ro vẫn còn đó. Nhìn từ trong nước, sự chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng.

Trong khi đó, Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 vừa công bố của HSBC cho rằng, dù tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2017 không như kỳ vọng, đặc biệt sản xuất có dấu hiệu giảm, song ngành sản xuất sẽ sớm hồi phục nhờ vào việc tung sản phẩm mới và nhu cầu toàn cầu dần hồi phục.

Khảo sát của HSBC cho thấy, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) về đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng. Theo đó, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã đạt mức tăng nhanh nhất trong năm 2017. Do đó, ngành sản xuất có thể đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những quý tới.

Theo ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy tại các nước ngoài khu vực, các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, có thể tận dụng cơ hội để tăng cường hội nhập nội khối, như thúc đẩy phát triển theo chiều sâu các sáng kiến hiện nay, giảm rào cản đối với sự dịch chuyển lao động, mở rộng giao thương hàng hóa và dịch vụ qua biên giới giữa các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tin liên quan
Tin khác