Thời sự
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay
Thanh Tùng - 18/07/2023 08:01
Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay nhờ xuất khẩu bắt đầu hồi phục và các biện pháp chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng.
Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Thưa ông, IMF đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng 3,72% của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023?

Thoát khỏi Covid-19 không phải là điều dễ dàng đối với bất kỳ quốc gia nào. Môi trường toàn cầu đầy thách thức đã làm cho quá trình đó trở nên phức tạp hơn. Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi cả những “cơn gió ngược” bên trong và bên ngoài, bắt đầu từ quý IV/2022.

Ở phạm vi quốc tế, lạm phát tăng mạnh và kéo dài ở các nền kinh tế tiên tiến trong năm 2022 đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất. Đồng thời, nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và điều đó ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á. Nhu cầu từ một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ và EU, đã giảm mạnh. Xuất khẩu giảm tới 12% trong nửa đầu năm nay đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Ở trong nước, các vấn đề trong thị trường bất động sản và bất ổn trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đang đè nặng lên nền kinh tế.

IMF dự báo ra sao về tăng trưởng và lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 và 2024, thưa ông?

Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay nhờ xuất khẩu bắt đầu hồi phục và các biện pháp chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách tài khóa, phát huy tác dụng. Chúng tôi dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tương đối ổn định, với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 4,7% trong năm nay. Tuy nhiên, dự báo này là không chắc chắn và có rủi ro lớn, đặc biệt do môi trường toàn cầu đầy thách thức.

Trong khi đó, lạm phát dự kiến tiếp tục được kiểm soát dưới mức 4,5% trong năm nay và năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng, đà tăng trưởng sẽ dần phục hồi vào năm 2024, đạt gần 6%, sau đó quay trở lại tiềm năng trung hạn vào năm 2025.

Theo ông, những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay là gì?

Như tôi đã đề cập, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” lớn từ những cú sốc trong nước và bên ngoài. Khi chưa hết những ảnh hưởng này, thì tăng trưởng sẽ vẫn khá khó khăn. Việt Nam là một nền kinh tế rất mở, nên triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc đáng kể vào tốc độ phục hồi xuất khẩu.

Với triển vọng tương đối yếu của nền kinh tế thế giới, rủi ro là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 và 2024 có thể thấp hơn những gì chúng ta kỳ vọng. Ngược lại, xuất khẩu phục hồi nhanh hơn, thì có thể thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, các vấn đề trong thị trường bất động sản sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lĩnh vực này sẽ phục hồi theo thời gian. Do nhu cầu lớn về nhà ở giá rẻ, nên đây có thể trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng. Nếu như các vấn đề ảnh hưởng đến lĩnh vực này càng sớm được giải quyết, thì triển vọng tăng trưởng sẽ trở nên tốt hơn.

Một yếu tố quan trọng khác đối với tăng trưởng là đảm bảo thị trường vốn trong nước (bao gồm cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp) và các ngân hàng đủ lành mạnh để cung cấp thêm tín dụng và vốn cho khu vực tư nhân nhằm tạo điều kiện tăng trưởng cao hơn trong trung hạn.

Trong tương lai, để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về phát triển, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng và đầu tư vào giáo dục.

Các kế hoạch mới của Việt Nam về năng lượng và khí hậu cũng đã được coi là những bước tiến quan trọng, nhưng cần phải thực hiện các hành động cụ thể, bao gồm tăng cường khung pháp lý và quy định đối với đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo. Với các giải pháp chính sách đúng đắn, Việt Nam có tiềm năng đạt được tăng trưởng xanh, đa dạng và mạnh mẽ, giúp đất nước có thể đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển hiện đại.

Việt Nam nên thực hiện những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nào trong những tháng tới, thưa ông?

Khuyến nghị chính sách tổng thể là Việt Nam cần cải thiện khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc và tạo ra một khung khổ thể chế giúp giải phóng toàn bộ tiềm năng tăng trưởng của đất nước.

Trong ngắn hạn, chúng tôi không thấy nhiều dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa, nên thay vào đó, cần dựa vào chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế, đặc biệt thông qua đầu tư công vào kết cấu hạ tầng quan trọng, đồng thời chi tiêu cho các chương trình hướng đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chính phủ đã thận trọng và nợ công đã giảm trong những năm gần đây. Do đó, hiện vẫn có dư địa tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế tại thời điểm hiện tại, nếu tăng trưởng tiếp tục thấp.

Ngoài ra, một số cải cách cơ cấu cũng có thể giúp phục hồi mạnh mẽ và bền vững hơn.

Cụ thể, cần có nhiều hành động hơn nữa để tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Việt Nam có thể giải quyết các nút thắt pháp lý đang cản trở việc hoàn thành các dự án bất động sản, tăng cường quy định và quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời cải thiện quy định về cưỡng chế nợ và xử lý mất khả năng thanh toán.

Với môi trường kinh tế toàn cầu và trong nước đầy thách thức hiện nay, điều quan trọng là phải đẩy nhanh cải cách để bảo vệ sự ổn định tài chính, bao gồm tăng cường khả năng ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, cũng như tăng cường nỗ lực cải thiện quy định và giám sát ngân hàng. Về phương diện này, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng đang được thực hiện là cơ hội để phát triển các khung khổ pháp lý về xử lý ngân hàng và xử lý thanh khoản khẩn cấp.

Tin liên quan
Tin khác