Thời sự
Kinh tế xã hội 2015: Có thể đạt 13/14 chỉ tiêu
Mạnh Bôn - 02/11/2015 13:38
Có thể nói, kể từ đầu Khóa XIII đến nay, Quốc hội đã trải qua 10 kỳ họp với 10 lần đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) trong năm, nhưng chưa kỳ họp nào mà các đại biểu Quốc hội lại “đồng thuận” trong việc đánh giá rất cao kết quả đạt được như tại Kỳ họp thứ 10 này.

Giá dầu giảm mạnh và ở giữ ở mức thấp, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, Trung Quốc - bạn hàng thương mại lớn nhất phá giá đồng nội tệ… là những khó khăn khi Chính phủ bắt tay vào triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Với những diễn biến bất lợi này, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 và tháng 6/2015), không chỉ rất nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế mà ngay cả một số thành viên Chính phủ cũng rất lo ngại trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2015.


Tuy nhiên, sau 10 tháng triển khai, đến thời điểm này, Chính phủ đã mạnh dạn nhận định, năm 2015 sẽ đạt được 13/14 chỉ tiêu, đặc biệt là lạm phát chỉ ước tăng 2-2,5% (thấp nhất trong vòng 15 năm qua), tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,5% (cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ).

Nhiều “chỉ số phụ khác” cũng đạt được kết quả khá ấn tượng như tổng dư nợ tín dụng ước tăng 10,78% (9 tháng đầu năm) cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND tương đối ổn định ở mức khá thấp; tỷ giá VND/USD mặc dù tăng 5% sau khi 3 lần nâng tỷ giá và nới rộng biên độ nhưng vẫn ổn định hơn so với nhiều đồng tiền trên thế giới; nợ xấu được xử lý có hiệu quả; hệ thống ngân hàng dần đi vào ổn định...

Với những kết quả đã đạt được, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hoà, Nguyễn Cao Sơn, Nguyễn Văn Cảnh, Tôn Thị Ngọc Hạnh, Trần Ngọc Vinh cùng nhiều đại biểu khác đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong điều hành kinh tế - xã hội.

Năm 2016, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn mới (2016-2020), vì vậy, bên cạnh đánh giá cao kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2011-2015, đặc biệt là năm 2015, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra không ít hạn chế, khiếm khuyết và mong muốn Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.

Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, nhiều động lực cho tăng trưởng đã đến ngưỡng, khó có thể khai thác tăng thêm trong giai đoạn tới nếu không có cơ chế, chính sách thì năng lực cạnh tranh hiện đang “đội sổ” so với các nước ASEAN 6 sẽ khó được cải thiện.

“Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao hiện nay rất lãng phí. Đơn cử, 13 học sinh đoạt giải nhất cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” được đi đào tạo ở nước ngoài thì có tới… 12 cháu không về nước mà ở lại nước ngoài để cống hiến tài năng của mình. Học sinh, sinh viên giỏi đi học tập, nghiên cứu sinh ở nước ngoài hầu hết cũng không muốn về nước. Nếu chúng ta không có nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản ở các nước có nền giáo dục phát triển thì làm sao có thể gỡ được một trong 3 nút thắt hạn chế phát triển là nguồn nhân lực chất lượng thấp”, ông Hòa lo ngại.

Kinh tế tăng trưởng 6,5%, gấp 3 lần mức lạm phát dự kiến là một trong những kết quả được Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam đánh giá rất cao.

“Giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng lạm phát bình quân hàng năm trên 10% nên người dân thực ra không được hưởng lợi hết thành quả của nền kinh tế, thu nhập thực tế tăng thấp. Còn trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thấp hơn so với giai đoạn trước, nhưng lạm phát được kiểm soát nên thu nhập của người dân tăng, đời sống của người dân được cải thiện”, ông Nam đánh giá.

Đề cập tới nguồn nhân lực, đại diện cho cử tri tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực thấp là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp.

Năng suất lao động thấp, theo ông Nam, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cứ đi tìm nguyên nhân từ phía người lao động. Và sau khi đã rõ “nguyên nhân”, nhiều người cho rằng, với tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay, tốc độ tăng lương tối thiểu 10% mỗi năm là quá cao.

“Ở khắp các vùng ven đô cũng như trong nội đô ở cả đô thị lớn cũng như nhỏ đã hình thành vô số “chợ lao động”, “chợ người”. Cứ mỗi khi có người muốn thuê lao động tới thì hàng chục người lao động vây lấy để xin bán sức lao động. Ở các nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp sản xuất, hàng triệu công nhân cần mẫn làm việc cả ngày nghỉ, làm tăng ca, tăng kíp. Những hình ảnh này cho thấy, nguyên nhân năng suất lao động thấp, chất lượng lao động thấp không phải từ phía người lao động mà là do thiết bị máy móc lạc hậu; công nghệ quản lý, quản trị doanh nghiệp yếu kém. Người ta cho rằng, lao động chất lượng thấp là do chưa được đào tạo. Tôi cho rằng, lao động chưa được đào tạo không phải do lỗi của họ mà do các cơ quan quản lý nhà nước. Các cụ dạy rằng, “một người lo bằng kho người làm”. Chất lượng lao động kém chẳng qua là quá thiếu người biết lo, đặc biệt là người biết lo xa”, ông Nam phát biểu.

Cũng đề cập tới chất lượng nguồn nhân lực, Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh thẳng thắn: “Rất khó để thu hút, phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao do chính sách đãi ngộ “hiền tài” còn nhiều hạn chế”.

Trước thực trạng tuyển sinh đại học, cao đẳng ào ạt để đào tạo nguồn nhân lực vừa qua, bà Hạnh lo ngại: “Nếu quá thiên về số lượng, không quan tâm đến chất lượng thì tương lai sẽ phải trả giá”.

Đề cập tới nút thắt thứ 2 được cho là hạn chế, kìm hãm sự phát triển trong thời gian vừa qua cũng như trong tương lai - cơ sở hạ tầng KTXH, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, bà Hạnh đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông - Vận tải.

Hàng loạt công trình giao thông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả như mạng đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai; TP.HCM  - Long Thành - Dầu Giây; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhật Tân - Nội Bài, Quốc lộ 1, Quốc lộ 14... Theo bà Hạnh, kết quả đó đã tạm thời đáp ứng được yêu cầu phát triển KTXH, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều địa phương cũng như cả nước.

“Cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay tạm thời đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời gian trước mắc, nhưng chỉ ít năm nữa hệ thống đường bộ hiện nay sẽ trở lên quá tải, kìm hãm sự phát triển kinh tế, hạn chế lưu thông qua đó hạn chế doanh nghiệp bỏ vốn vào làm ăn cũng như hạn chế thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đơn cử như Quốc lộ 14 (nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông) mới đi vào khai thác đã phát huy lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên, nhưng chỉ ít năm nữa thôi tuyến đường này sẽ quá tải vì mặt đường sẽ trở nên quá chật hẹp khi lưu lượng giao thông tăng lên”, bà Hạnh dự báo.

Tin liên quan
Tin khác