Thời sự
KOCHAM kiến nghị cho phép người lao động làm thêm vào cuối tuần
Khánh Linh - 12/12/2017 09:58
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) đã thay mặt các thành viên gửi tới VBF 2017 3 kiến nghị.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhiều trường hợp người lao động muốn làm việc thêm cả vào cuối tuần và công ty cũng chấp nhận điều này

KOCHAM đề xuất giải pháp chỉ giới hạn số giờ làm ngoài giờ trong ngày thường. Theo Bộ luật Lao động hiện hành, số giờ làm ngoài giờ một năm đang được giới hạn ở mức từ 200 đến 300 giờ. Dự thảo sửa đổi Bộ luật này quy định không vượt quá 12 giờ 1 ngày và 400 giờ 1 năm.

Tuy nhiên, theo ông Ryu Hang Ha, để được lĩnh nhiều lương hơn, nhiều trường hợp người lao động muốn làm việc thêm cả vào cuối tuần và công ty cũng chấp nhận điều này.

“Nếu không cho phép làm thêm vào cuối tuần thì lương của người lao động sẽ bị giảm và họ có xu hướng chuyển sang những công ty cho phép làm thêm. Do đó, tôi xin được kiến nghị về việc chỉ giới hạn số giờ làm việc ngoài giờ trong ngày thường. Việc làm thêm vào cuối tuần là theo ý muốn tự do của người lao động nên tôi cho rằng, việc loại trừ ngày cuối tuần ra khỏi quy định về giới hạn số giờ làm ngoài giờ là hợp lý”, ông  Ryu Hang Ha lý giải.

Liên quan đến quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài sẽ được triển khai từ tháng 1/2018, ông Ryu Hang Ha cho rằng, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang lo lắng về sự gia tăng trong chi phí.

Các câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp chưa rõ là khi việc thi hành được quyết định thì người nước ngoài sẽ được hưởng ưu đãi gì khi bị bệnh, bị tai nạn lao động hay bị tai nạn tử vong đồng thời sau khi nộp bảo hiểm xã hội thì khi trở về nước có được lĩnh đúng theo quy định hay không...

“Những điều này cần phải được quy định rõ ràng thì người nước ngoài mới có thể yên tâm đóng phí bảo hiểm”, ông Ryu Hang Ha nói.

Ngoài ra, KOCHAM khuyến nghị áp dụng chế độ thẩm định năng lực cấp quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật.

Vì, không chỉ có các doanh nghiệp FDI ngành chế tạo mà cả các doanh nghiệp ngành chế tạo của Việt Nam khi tuyển dụng lao động kỹ thuật cũng đang gặp phải khó khăn trong việc tuyển dụng do thiếu giấy chứng nhận được công nhận có thể chứng minh năng lực của ứng viên trong lĩnh vực tuyển dụng.

Đây là lý do các doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần phải xây dựng khung cơ bản về chứng nhận năng lực kỹ thuật và thành lập cơ quan thẩm định năng lực cấp quốc gia về lĩnh vực kỹ thuật để quản lý và thực thi quy định này.

Chủ tịch KOCHAM cho rằng, đây là cách dẫn dắt thị trường tuyển dụng trong lĩnh vực kỹ thuật của Việt Nam theo hướng hợp lý để không chỉ các doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng được tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác